Nhiều nhà nhập khẩu áp thuế chống phá giá thép Việt
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), vừa qua Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) ban hành kết luận cuối cùng về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.
Theo đó, biên độ bán phá giá của các doanh nghiệp Trung Quốc được xác định là 34% đối với Jiangsu Shagang International Trade Co..Ltd. và 46,2% đối với các nhà xuất khẩu khác. Công ty Suez Steel Co.,Ltd của Ai Cập được xác định có biên độ phá giá là 8,6% và các nhà xuất khẩu khác là 21,3%.
Riêng đối với Việt Nam, CTCP Thép Hoà Phát Dung Quất được xác định mức phá giá là 17,7% và Công ty Thép Hoà Phát Hải Dương là 13,5%.
Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hiện nay, Toà án Thương mại quốc tế Canada (CITT) đang tiến hành xác định thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước và dự kiến ra kết luận vào ngày 4/10 tới đây.
Liên tiếp nhiều quốc gia thông báo điều tra chống bán phá giá đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của các DN Việt Nam |
Trước đó, vào đầu tháng 6/2024, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.
Cơ quan này xác định mức thuế chống bán phá giá tạm thời dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức thấp nhất (từ 6,1% đến 38,9%) so với các doanh nghiệp Trung Quốc (50,9% - 71,1%) và Ai Cập (49,7% - 99,8%) bị điều tra lần này.
Liên quan đến hoạt động áp dụng các biện pháp chống bán phá đối với ngành hàng thép, cũng theo Bộ Công Thương, trong tuần vừa qua Bộ Tài chính Ấn Độ cũng đã ban hành Sắc lệnh về việc đánh thuế đối với các mặt hàng ống thép và ống thép không gỉ hàn nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam trong 5 năm tới. Mức thuế được áp dụng dự kiến là từ 12% đến 30%.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa qua cũng đã gửi thông tin đến Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với 13 mã sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE).
Trong đơn điều tra của phía Hoa Kỳ, có 10 quốc gia bị đề nghị điều tra (bao gồm: Canada, Mexico, Brazil, Hà Lan, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Thống nhất, Việt Nam, Úc, và Nam Phi). Trong số này chỉ có Canada, Mexico, Brazil và Việt Nam bị đề nghị điều tra kép chống bán phá giá và chống trợ cấp.