Nhiều rủi ro đe dọa thị trường mới nổi
Lãi suất tăng ở Mỹ, đồng USD mạnh hơn, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, giá dầu thấp hơn và sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo dân túy ở hai nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đều có thể tác động tiêu cực đến thị trường.
Fed và đồng USD
Theo giới chuyên môn, các nhà đầu tư cần theo dõi sát động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi mà trong các phát biểu sau lần tăng lãi suất hôm 9/12, Chủ tịch Fed Jerome Powell không hề tỏ ra ôn hòa như giới đầu tư kỳ vọng. Đã có thông tin Tổng thống Donald Trump nhiều lần thảo luận về việc sa thải Chủ tịch Fed cho dù chính ông là người đề cử trước đó. Tuy nhiên sau đó Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã trấn an thị trường tài chính rằng Powell sẽ không bị sa thải.
Điều đó có nghĩa Fed sẽ tiếp tục với lộ trình tăng lãi suất của mình trong năm 2019. Lãi suất tăng cao hơn ở Mỹ sẽ là bệ đỡ vững chắc cho sức mạnh của đồng USD.
Trong khi đó, NHTW châu Âu đã chấm dứt chương trình mua tài sản. Điều đó có thể buộc các cơ quan tiền tệ ở Đông Âu phải tăng lãi suất, điều mà họ đã trì hoãn từ lâu.
Tất cả những điều đó có thể khiến các nền kinh tế mới nổi châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài như Indonesia, sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc duy trì sự ổn định của đồng nội tệ và ngăn chặn dòng vốn chảy ra.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã thỏa thuận “ngừng bắn” trong vòng 90 ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tuy nhiên giới quan sát cho rằng diễn biến của cuộc chiến này vẫn rất khó lường bởi nguyên nhân sâu xa lại không bắt nguồn từ thương mại.
Nếu Trung Quốc không đáp ứng các yêu cầu của Mỹ về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường và giảm thặng dư thương mại thì Mỹ sẽ nâng thuế suất đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc lên 25% từ 1/3 tới. Chưa hết, ông Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ mở rộng diện áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố với một số thương nhân có ảnh hưởng nhất của quốc gia rằng, Bắc Kinh không dễ dàng nhượng bộ các đòi hỏi về thương mại và đầu tư của Mỹ.
Nếu cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào tài sản châu Á. Trên thực tế, tài sản ở châu Á đã chịu tổn thất nặng nề với việc chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã ghi nhận năm sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008 trong năm qua, trong khi giá cổ phiếu ở Hàn Quốc và Đài Loan cũng giảm mạnh.
Chủ nghĩa dân túy
Brazil và Mexico bước vào năm 2019 với sự lãnh đạo của các tổng thống dân túy mới. Tuy nhiên, phản ứng của hai thị trường này là hoàn toàn trái ngược. Chứng khoán Brazil đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết ông đã bán hàng tá công ty nhà nước và chọn Paulo Guedes – nhà kinh tế được đào tạo tại Đại học Chicago làm cố vấn kinh tế. Tuy nhiên, ông đang phải đối mặt với một thách thức khó khăn trong việc cải cách hệ thống lương hưu, vấn đề được xem là chìa khóa để duy trì sự phục hồi của thị trường.
Trong khi đó ở Mexico, tân Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đang phải đối mặt với thách thức lớn trong việc điều chỉnh mối quan hệ với Mỹ, đối tác thương mại hàng đầu của Mexico, sau khi Tổng thống Donald Trump liên tục công kích nước này vì tình trạng di cư bất hợp pháp.
Obrador cũng đang cố gắng trấn an các nhà đầu tư vốn đang lo ngại về chính sách của ông, bao gồm việc bất ngờ hủy bỏ dự án sân bay mới ở Mexico City trị giá 13 tỷ USD. Hiện các nhà đầu tư cũng đang quan sát xem liệu Tổng thống có thể duy trì thặng dư ngân sách chính ngay cả khi chi nhiều hơn cho các chương trình xã hội.
Lệnh trừng phạt với Nga
Ngay cả sau khi Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã sẵn sàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với một trong những công ty lớn nhất của Nga, United Co. Rusal, các nhà đầu tư vẫn sẽ cảnh giác với các động thái của Quốc hội. Nếu Luật sư đặc biệt Robert Mueller, người phụ trách cuộc điều tra về sự can thiệp của Kremlin vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đưa ra một kết luận bất lợi, điều đó có thể dẫn tới các hình phạt mới, bao gồm các hạn chế giao dịch đối với nợ có chủ quyền hoặc ngân hàng của Nga.
Khủng hoảng dầu Ảrập Xêút
Dầu thô Brent giảm mạnh từ đầu tháng 10 xuống dưới 55 USD/thùng đang là một tin xấu đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, chứ không chỉ là Ảrập Xêút. Theo Bloomberg Economics quốc gia này cần giá dầu tăng cao tới 95 USD/thùng để cân bằng ngân sách năm 2019.
Việc siết chặt tài chính, cộng thêm những phản ứng dữ dội của phương Tây sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại ở ở Istanbul khiến cho việc MSCI quyết định đưa cổ phiếu của Ảrập Xêút vào chỉ số thị trường mới nổi trong năm 2019 có thể không đủ để thu hút đầu tư mà vương quốc này đang rất cần.
Bầu cử
Có rất nhiều cuộc bầu cử sắp tới có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng. Theo đó Ấn Độ sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 4 hoặc tháng 5 tới. Các nhà phân tích tại Credit Suisse Group AG cho rằng thị trường đã không định giá về rủi ro của một chính phủ liên minh đang nổi lên, nó có thể làm hỏng chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Narendra Modi.
Thái Lan cũng đang chuẩn bị tổ chức một cuộc bỏ phiếu vào ngày 24/2 sau nhiều lần trì hoãn vì những lý do liên quan tới các vấn đề hiến pháp và lập pháp cần thiết trước bầu cử.
Trong khi đó, tại Indonesia, dự kiến, khoảng 186 triệu cử tri Indonesia sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử để bầu Tổng thống, Quốc hội và Hội đồng địa phương vào ngày 17/4/2019. Đó được dự báo sẽ là cuộc chạy đua gay cấn giữa đương kim Tổng thống Joko Widodo và đối thủ chính của ông là cựu tướng quân đội Prabowo Subianto.
Còn tại Argentina, đương kim Tổng thống Mauricio Macri cũng sẽ phải đối mặt với một cuộc bầu cử vào tháng 10. Với nền kinh tế suy thoái và lạm phát ở mức gần 50%, các nhà đầu tư lo ngại rằng cử tri Argentina có thể chuyển sang cựu Tổng thống dân túy Cristina Fernandez de Kirchner.
Với Nam Phi, cuộc bầu cử vào tháng 5 sẽ là một thử nghiệm quan trọng đối với Tổng thống Cyril Ramaphosa. Nếu đảng của ông không giành được đa số ghế, ông có thể bị buộc phải trì hoãn các cải cách thân thiện với thị trường như tái cơ cấu các công ty nhà nước đang ngập trong nợ nần. Điều đó có thể dẫn tới việc hạ xếp hạng tín nhiệm và khiến hàng tỷ USD sẽ chảy ra khỏi nước này, theo Citigroup Inc.
Một quốc gia châu Phi khác, Nigeria, sẽ tiến hành bỏ phiếu vào giữa tháng 2 để lựa chọn giữa Tổng thống Muhammadu Buhari - người đang đấu tranh để thúc đẩy nền kinh tế ốm yếu, và cựu Phó Tổng thống Atiku Abubakar.