Nhiều thuận lợi cho ngân hàng gọi vốn
Tại buổi Road show trước khi niêm yết chính thức lên sàn HoSE mới đây, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn tiết lộ, sắp tới ngân hàng sẽ tiếp tục tìm nhà đầu tư nước ngoài để bán hơn 10% cổ phần còn lại, bởi hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng này mới là 19,5%. Việc bán vốn sẽ không gò bó là đối tác nào, chiến lược, kỹ thuật, hỗ trợ ra sao mà OCB quan tâm nhất là vấn đề giá. Đến thời điểm này, một số đối tác ngoại đăng ký danh sách đầu tư nhưng do trình tự, thủ tục kéo dài nên ngân hàng muốn ưu tiên việc niêm yết trên sàn trước vì kế hoạch này đã bị lùi lại so với dự kiến. Sau khi niêm yết cổ phiếu lên sàn, OCB sẽ tiếp tục triển khai việc tìm cổ đông ngoại.
Năm ngoái OCB là ngân hàng thành công nhất khi bán tới 15% cổ phần cho Aozora Bank (Nhật Bản) thu về 160 triệu USD cho ngân hàng. Một trong những lý do OCB muốn tiếp tục gọi vốn ngoại được ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc chia sẻ, đó là giúp cho cơ chế quản trị, quản lý ngân hàng ổn định hơn, xây dựng chiến lược dài hạn, đồng nhất hơn. Cái được nữa khi bán vốn cho nhà đầu tư ngoại, theo ông Tùng, là vốn đầu tư lớn và đều xác định đầu tư dài hạn nên họ bình tĩnh hơn cùng ngân hàng vượt qua cơn sóng gió. Điểm nữa là giá cổ phiếu bán cho nhà đầu tư ngoại cũng tốt hơn, tạo thặng dư vốn cho ngân hàng có nguồn kinh doanh.
OCB đang có kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư ngoại |
Trao đổi với phóng viên xu vàng 777 , lãnh đạo LienVietPostBank cũng cho biết, ngân hàng chuẩn bị bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện đã có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký, tuy nhiên Ban lãnh đạo vẫn đang chọn lựa tìm nhà đầu tư phù hợp. Dự kiến, thương vụ này sẽ hoàn tất trong năm 2021.
Theo các chuyên gia, động thái tăng vốn qua việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều ngân hàng, kể cả NHTM Nhà nước lẫn NHTM cổ phần. Bởi điều đó không chỉ giúp các ngân hàng có cơ cấu tài chính tốt hơn để đáp ứng quy định của Basel II, mà còn hỗ trợ các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị. Ở thời điểm hiện tại, hệ số CAR nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức an toàn, nhưng nếu không tăng vốn điều lệ thì hệ số này sẽ giảm dần khi tài sản có rủi ro của các ngân hàng tăng lên trong tương lai. Nhất là áp lực từ khoản nợ cơ cấu lại theo Thông tư 01. Khi đó, việc mở rộng hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng sẽ bị hạn chế. Do vậy, các ngân hàng đã chủ động sớm thực hiện tăng vốn.
“Tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng trước hết là nâng cấp hệ thống mạng lưới rộng lớn, phát huy lợi thế bán lẻ của ngân hàng. Tiếp theo sẽ nâng cấp cũng như nâng cao hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng. Đồng thời giúp ngân hàng tuân thủ và đảm bảo đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của NHNN về các tỷ lệ an toàn vốn cũng như là hướng tới các chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng”, lãnh đạo LienVietPostBank chia sẻ.
Bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đã được nhiều ngân hàng lên kế hoạch triển khai từ khá sớm. Nhưng do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan nên cả năm vừa qua chỉ có 2 thương vụ bán vốn ngoại thành công là của OCB và MB. Bước sang năm 2021, nhìn từ triển vọng kinh doanh của nền kinh tế nói chung, ngân hàng nói riêng, TS. Châu Đình Linh - Đại học Ngân hàng TP.HCM tin rằng, hoạt động gọi vốn ngoại thành công hơn. Những yếu tố được đánh giá dễ hút vốn ngoại được TS. Linh đề cập tới là kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh ngân hàng, trong khi thị trường chứng khoán tích cực hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước... Đây là những nền tảng hỗ trợ rất tốt và cơ sở quan trọng để các ngân hàng tính chuyện bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc là phát hành thêm cho nhà đầu tư nước ngoài hiện hữu trong năm 2021. Một thuận lợi nữa là nhiều nền kinh tế đang nới lỏng định lượng các gói cứu trợ, dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. “Các thương vụ bán vốn ngoại có thể là điểm sáng của ngân hàng Việt Nam trong năm 2021”, TS. Linh kỳ vọng.
Chung quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra lạc quan hơn về khả năng gọi vốn ngoại của các ngân hàng. Hiện kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh hơn các quốc gia khác, cộng với ngành Ngân hàng đang thay đổi mạnh mẽ từ công nghệ đến quản trị. Tiềm năng khai thác từ thị trường ngân hàng Việt Nam còn khá lớn như tỷ lệ người dân sử dụng tài khoản ngân hàng… sẽ là yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Đó chính là chất xúc tác quan trọng tạo động lực cho hoạt động bán vốn ngoại của các ngân hàng sôi động hơn trong năm 2021.
Ngoài trường hợp OCB hay LienVietPostBank như đã kể trên, một số ngân hàng công bố đang tìm kiếm đối tác hoặc đang đàm phán được với nhà đầu tư nước ngoài như trường hợp của Vietcombank, NCB, NamABank… Cụ thể, lãnh đạo VietCapital Bank cho biết đã lấy ý kiến chốt room ngoại ở mức 30% để tăng thêm 1.000 tỷ đồng vốn vào đầu năm 2021 so với mức vốn 3.000 tỷ đồng hiện nay để sớm nâng cao năng lực tài chính, đẩy mạnh đầu tư công nghệ. Tương tự, Nam A Bank cũng sẽ chào bán cổ phiếu riêng lẻ 143 triệu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiện room ngoại tại ngân hàng này vẫn còn nguyên 30%. Vietcombank vẫn tiếp tục phương án phát hành riêng lẻ 6,5% cổ phần cho đối tác nước ngoài để tăng vốn. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính, bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của Vietcombank…
Nhìn về tương lai, có thể thấy cơ hội gọi vốn ngoại khá thuận lợi, song không phải ngân hàng nào cũng thành công. Theo nhận định của TS. Châu Đình Linh, muốn bán được vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng phải có chất lượng hoạt động kinh doanh như đáp ứng quy định khắt khe của Basel II, xa hơn là Basel III; Chiến lược, mục tiêu kinh doanh phải rõ ràng, quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế... Ngoài yếu tố nền tảng, thì các nhà đầu tư còn xem xét tiêu chuẩn khác như về kết quả kinh doanh trong đó có chỉ số lợi nhuận, cơ cấu doanh thu đến từ tín dụng, dịch vụ như thế nào, nợ xấu ra sao, khẩu vị rủi ro kinh doanh...
“Các nhà đầu tư không chỉ nhìn đơn thuần bề nổi thị trường đang tăng trưởng mà họ xem xét phân tích rất nhiều yếu tố khi quyết định đầu tư. Đó chắc chắn là hàm đa biến chứ không phải đơn biến”, TS. Linh nhận xét. Dễ nhận thấy, những ngân hàng được các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần đều là những ngân hàng đáp ứng quy định khắt khe của Basel; chỉ số ROA (hệ số sinh lời trên tổng tài sản) và ROE (hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu) tăng tốt...
Tuy nhiên TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vẫn cảnh báo, hoạt động gọi vốn ngoại ngân hàng có khả năng gặp khó khăn do kinh tế toàn cầu vẫn nhiều rủi ro khiến nhà đầu tư có xu hướng tăng nắm giữ tiền mặt. Trong khi dịch bệnh Covid-19 cản trở việc đi lại của nhà đầu tư khiến các thương vụ đàm phán gặp khó khăn.