Nhiều tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Halal
Thực tế cho thấy, hiện mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng mở rộng, sang cả thị trường Hồi giáo và phi Hồi giáo. Nguyên nhân là do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Ước tính, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028.
Số người Hồi giáo hiện đang chiếm khoảng 24% dân số thế giới và có thể sẽ tăng thêm 3% vào năm 2050. Báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu ước tính chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỷ USD của năm 2020 lên 1.900 tỷ USD vào năm 2030, và gần 5.000 tỷ USD vào năm 2050. Đó là còn chưa kể đến sử dụng thực phẩm Halal đang trở thành một xu hướng mới, với niềm tin rằng loại thực phẩm này có chất lượng cao hơn và an toàn hơn.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại hàng ngàn tỷ USD mỗi năm khi nhu cầu về các sản phẩm này từ các nước Hồi giáo ngày một tăng. Song thực tế, doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được lượng nhỏ sản phẩm vào các nước Hồi giáo, vì để đưa được sản phẩm vào các quốc gia này, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm Halal từ năm 2010 sang gần 10 quốc gia Hồi giáo, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty nước giải khát Bidrico cho biết, muốn xuất khẩu sang thị trường này, sản phẩm trước tiên phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe để được cấp giấy chứng nhận Halal, với chi phí khoảng hơn 30 triệu đồng. Tiếp đến là tiếp cận thị trường, đây là yếu tố quan trọng… “Với tiềm năng lớn, xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo đóng góp không nhỏ trong tổng doanh thu của công ty”, ông Hiến nói.
Các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất và xuất khẩu sản phẩm Halal khi sở hữu nguồn nguyên liệu thô dồi dào, lại nằm ở châu Á - nơi có khoảng 62% dân số Hồi giáo của thế giới. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là không có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất trên toàn thế giới, tạo ra sự phân mảnh về việc cấp giấy chứng nhận Halal và yêu cầu khác nhau giữa các nước. Hơn thế, Việt Nam chưa ký kết các văn bản, thỏa thuận về sản phẩm Halal với các nước khác và chưa có cơ quan quản lý thống nhất.
Trong khối ASEAN, Malaysia là một trong những nước có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal chiếm tỷ lệ cao. Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI) cho biết, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm Halal của Malaysia ước đạt 113,2 tỷ USD vào năm 2030. Thực phẩm và đồ uống là mặt hàng xuất khẩu chính trong nền kinh tế Halal, tiếp đến là nguyên liệu Halal, mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân, dầu dừa và hóa chất công nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp Malaysia cần nguồn cung nguyên liệu nông, thủy sản ổn định và bền vững của Việt Nam.
Bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự Malaysia cho biết, nhiều doanh nghiệp Malaysia đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Điều này xuất phát từ tiềm năng nguồn nguyên liệu nông, thủy sản của Việt Nam rất lớn và doanh nghiệp Malaysia rất cần nguồn nguyên liệu này để mở rộng sản xuất sản phẩm Halal.
Hiện tại, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng hóa của Việt Nam nhằm tạo thuận lợi thương mại cho xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường Halal. Đến nay, Việt Nam đã ban hành 4 tiêu chuẩn quốc gia TCVN về lĩnh vực Halal (Thực phẩm Halal - Yêu cầu chung; Thực hành nông nghiệp tốt đối với cơ sở sản xuất Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thực phẩm Halal - Yêu cầu đối với giết mổ động vật). Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Trung tâm chứng nhận Halal quốc gia và đang tích cực làm việc với các tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.