NHNN ba lần giảm lãi suất: "Chủ động trong thận trọng"
Ông đánh giá như thế nào về động thái giảm lãi suất điều hành lần thứ ba này của NHNN?
Các mức giảm lãi suất điều hành lần này cũng tương đối phù hợp ở giai đoạn này. Quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN là nỗ lực, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nhưng cũng được cơ quan quản lý cân nhắc kỹ dựa trên điều kiện kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước cho phép.
Cụ thể, trên thế giới, tốc độ tăng lãi suất của một số nền kinh tế lớn đã giảm dần do lạm phát đã phần nào hạ nhiệt. Trong nước, chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát cơ bản đã giảm tốc so với tháng 1, tháng 2… Đây là tiền đề quan trọng để NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành.
Bên cạnh đó, một số yếu tố như tỷ giá hối đoái ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.
Theo ông việc giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ có tác động như thế nào tới nền kinh tế?
Động thái giảm lãi suất điều hành lần này chắc chắn tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn. Khi tín hiệu của NHNN phát đi, các NHTM sẽ giảm lãi suất huy động, qua đó hạ lãi suất cho vay trong nền kinh tế. Tôi mong rằng lần hạ lãi suất điều hành này của NHNN sớm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh hơn, để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo tính toán, cứ lãi suất cho vay giảm 1% thì ước tính toàn bộ nền kinh tế giảm được 140.000 tỷ đồng chi phí lãi vay. Đây là mức chi phí rất lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên giảm với mức độ nào còn tuỳ thuộc vào sức khoẻ tài chính, chi phí lãi suất đầu vào của mỗi ngân hàng. Ngân hàng là doanh nghiệp đặc biệt, họ phải cùng lúc đảm nhận rất nhiều mục tiêu như vừa đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, lợi ích của các cổ đông và quan trọng là an toàn của hệ thống.
Do đó, theo tôi, không thể chỉ dựa vào chính sách tiền tệ và mong muốn hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà cần có sự tham gia phối hợp của các Bộ, ngành liên quan.
Từ nay đến cuối năm, theo ông lãi suất còn dư địa giảm thêm?
Như tôi đã nói ở trên, tính đồng bộ của chính sách rất quan trọng, khi muốn giảm lãi suất, phải dựa trên sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát. Trong khi đó, kiểm soát lạm phát không chỉ dựa vào điều hành của chính sách tiền tệ mà còn là vai trò của các bộ, ngành khác trong việc đảm bảo nguồn hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá thiết yếu; điều hành giá cả một số dịch vụ cơ bản…
Đặc biệt, thời điểm này yếu tố quan trọng nhất là khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế đang suy yếu do cầu hàng hoá dịch vụ trên thị trường quốc tế sụt giảm, cụ thể lĩnh vực xuất khẩu giảm tương đối nhiều. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống, bản thân doanh nghiệp vốn dĩ không có nhu cầu về tín dụng hoặc một số bộ phận doanh nghiệp dù lãi suất có giảm thì cũng khó vay vốn vì không đủ điều kiện.
Những yếu tố trên cho thấy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, rất cần sự đồng bộ của nhiều chính sách khác chứ không nên chỉ tập trung chính sách giảm lãi suất.
Từ giờ đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục phải tìm điểm cân bằng cho nhiều mục tiêu khác nhau. Nếu tìm được điểm cân bằng, tôi cho rằng, NHNN chắc chắn sẽ tiếp tục gửi tín hiệu mạnh mẽ hơn để các NHTM tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Xin cảm ơn ông!