NHNN tăng phát hành tín phiếu, một mũi tên trúng nhiều đích
Tỷ giá, lãi suất giữ được sự ổn định Khối lượng tín phiếu lưu hành tiếp tục tăng Công cụ tín phiếu sẽ hiệu lực hơn |
Phát hành tín phiếu điều tiết thanh khoản
Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quay lại phát hành tín phiếu trên kênh hoạt động thị trường mở kể từ tháng 3/2023 và đã phát hành tổng cộng 70.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày trong 5 ngày làm việc liên tiếp. Tuy nhiên khối lượng này vẫn chưa có quá nhiều sự đột biến và vẫn trong tầm kiểm soát nếu so với mức thanh khoản trung bình hàng ngày trên thị trường liên ngân hàng là vào khoảng 200.000 tỷ đồng/phiên.
NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ và có giải pháp điều hành để ổn định tỷ giá |
Lý giải việc NHNN tăng phát hành tín phiếu, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, mấy ngày gần đây NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. “Hiện nay lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá”, Phó Thống đốc nhận định.
Ngoài mục đích trên các chuyên gia SSI cho rằng mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022) nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Phân tích cụ thể hơn, bà Thái Thị Việt Trinh, Chuyên viên phân tích Cao cấp tại Bộ phận nghiên cứu SSI Research cho biết, công cụ tín phiếu được thực hiện nhằm điều tiết bớt một lượng thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn – là một phần trong nỗ lực nhằm giảm mức chênh lệch lãi suất VND và USD và từ đó hạn chế các hoạt động đầu cơ trên thị trường.
“Đây là hoạt động thường thấy từ các NHTW, và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ. Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn”, chuyên gia SSI nhận định.
Cũng theo chuyên gia phân tích này, xét về bối cảnh quốc tế, áp lực đồng VND giảm giá trong cả hai giai đoạn 2022 và 2023 xuất phát từ trong bối cảnh đồng USD có khả năng tăng mạnh hơn đến từ những quyết định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù vị thế Fed đã có sự thay đổi so với năm ngoái (2022 đánh dấu là năm đầu tiên của chu kỳ thắt chặt trong khi thời điểm hiện tại, Fed đã tiến gần đến giai đoạn cuối chu kỳ tăng lãi suất), đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh và tăng giá đáng kể so với các đồng tiền khác.
Xét về bối cảnh trong nước, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đối với đồng VND ở mức dưới 1%/năm tại thời điểm phát hành tín phiếu khi thanh khoản dồi dào trên toàn hệ thống. Điều này dẫn đến mức chênh lệch lãi suất liên ngân hàng giữa đồng VND và USD khá lớn khiến các ngân hàng tăng mạnh nhu cầu nắm giữ đồng USD hơn đồng VND.
"Động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể giúp điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND", bà Trinh nhấn mạnh.
Bước đi khôn ngoan của NHNN
CTCK Maybank (MBKE) cũng nhận định, việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống hiện nay của NHNN là một biện pháp giảm áp lực tỷ giá, đưa về mức mục tiêu (+/- 3% cho năm nay). Trong tháng 8 – 9, tỷ giá đã tăng nhanh và có dấu hiệu vượt khỏi ngưỡng mục tiêu (trên 3%). Theo Maybank, đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống (đang thừa) và bước đi khôn ngoan chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái.
Qua quan sát diễn biến thị trường, chuyên gia MBKE tin rằng, NHNN đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu là tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên. Từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá; không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế; đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay) sẽ tiếp xu hướng giảm.
Lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, điều hành tỷ giá là bài toán rất khó khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Lãi suất giảm thì đương nhiên tỷ giá tăng, về mặt kinh tế học là như vậy. Tỷ giá tăng thì được lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng sản xuất trong nước phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu/GDP gần 100%. Như vậy, khi tỷ giá tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ khó khăn. Do đó, điều hành tỷ giá cần phải có sự hài hòa trên góc độ tổng thể nền kinh tế.
Trên thực tế áp lực về tỷ giá tiếp tục xuất hiện trong bối cảnh USD mạnh lên toàn cầu. Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đến cuối ngày đã vượt lên trên 105,6 điểm, gần sát mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023. Hàng loạt đồng tiền chủ chốt đều giảm giá so với USD như GBP, JPY, EUR hay các đồng tiền trong khu vực châu Á như KRW, THB,…
Tại họp báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB đánh giá, NHNN đang điều hành linh hoạt, nới rộng biên độ, các biến động tỷ giá nằm trong biên độ đặt ra từ trước. Vì thế, NHNN chưa gặp khó khăn về chính sách với tỷ giá. "Trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến cung cầu ngoại tệ. Người dân muốn giữ tiền USD thay vì VND vì lãi suất thấp, khiến cầu ngoại tệ tăng lên. Tuy nhiên, xuất khẩu chưa cải thiện nhiều nên chưa gây ra biến động về cầu quá lớn", ông Hùng nhận định.
Sau động thái của NHNN, đà tăng của tỷ giá, đặc biệt là tỷ giá VND với một số ngoại tệ mạnh sẽ chững lại. Cũng bởi vậy, nguy cơ tỷ giá bật tăng mạnh như năm ngoái là không lớn do bối cảnh thế giới năm nay có sự khác biệt, trong đó có việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng tăng lãi suất. Ngoài ra, các yếu tố như nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, thặng dư thương mại đảm bảo, nguồn kiều hối tiếp tục chảy, dòng FDI có xu hướng tăng… cũng đang hỗ trợ tỷ giá.
Với diễn biến tỷ giá USD trên thế giới và dự trữ ngoại hối như hiện nay, với cách thức điều hành chính sách linh hoạt như hiện tại, giới chuyên môn đánh giá NHNN hoàn toàn có thể giữ ổn định được tỷ giá, mà không mất quá nhiều “của để dành”.
Lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ và có giải pháp điều hành để ổn định tỷ giá.