Nhóm ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán những tháng cuối năm?
Đà tăng của thị trường chứng khoán đã kéo dài với những đợt phục hồi trở lại mức cao mới, tuy nhiên không phải ai cũng có lãi.
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, một năm rưỡi trở lại đây, thị trường đã trải qua ba giai đoạn tăng điểm, sau đó điều chỉnh rồi tăng điểm trở lại.
Giai đoạn đầu các mã tăng giá khá đồng pha với nhau và nhà đầu tư có thể không nhất thiết phải quá "kén chọn" các cổ phiếu vẫn có thể thu được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, sau khoảng một năm rưỡi, khi thị trường đã ở trong xu hướng tăng điểm và trải qua hai lần điều chỉnh cũng như tăng trở lại thì mức độ chọn lọc cổ phiếu khó hơn rất nhiều. Do vậy, những cổ phiếu nào có được sự hỗ trợ từ các thông tin cơ bản cộng với những câu chuyện về mặt tăng trưởng, như chuyển sàn hay có sản phẩm mới hoặc xuất khẩu khởi sắc hay tham gia vào những lĩnh vực mới… thì thu hút được nguồn vốn tốt hơn.
Nói về sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành hay nhóm cổ phiếu, ông Trần Thăng Long cho rằng, có vẻ như giai đoạn gần đây, dòng tiền luân chuyển nhanh hơn giữa các nhóm ngành, một phần đến từ việc không chỉ là chứng khoán mà các kênh đầu tư khác cũng đã có những chuyển biến nhất định.
Từ đầu năm đến nay, chứng khoán mặc dù tăng khá tốt, tăng khoảng 14% tính theo chỉ số VN-Index, nhưng nếu so sánh sẽ thấy các kênh khác cũng tăng khá tốt. Do vậy, kênh đầu tư chứng khoán cũng chịu sức cạnh tranh của nhiều kênh đầu tư khác nhau. Nhà đầu tư có khá nhiều lựa chọn, vì vậy họ sẽ không "kiên nhẫn" như giai đoạn trước đó.
“Trong bối cảnh đó, thông thường họ nhanh chóng di chuyển giữa các lựa chọn đầu tư khác nhau. Tuy nhiên, với nhà đầu tư cá nhân, nhất là những người chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia vào thị trường chứng khoán thì nên cân nhắc kỹ việc mà nhà đầu tư nhanh chóng trading lướt sóng sẽ gây ra rủi ro, mà thậm chí thua lỗ trong ngắn hạn”, ông Long cho hay.
Nhìn vào các chỉ số chính, các chuyên gia kinh tế thấy rằng các chỉ số này đang có sự tiến triển. GDP bắt đầu có sự tăng trưởng trở lại tương đối tốt, về khối xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 16%, vốn đầu tư FDI cũng tăng trưởng khoảng 7,8%, chỉ số bán lẻ cũng tăng trưởng trở lại xấp xỉ 10%. Các yếu tố vĩ mô đang phản ánh sự phục hồi của kinh tế của Việt Nam.
Ông Trần Anh Tuấn, CFA, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK Dầu khí (PSI) cho rằng, kinh tế vĩ mô Việt Nam đang dần dần hồi phục và mang lại kỳ vọng tăng trưởng cho sáu tháng cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm tăng 15,2% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 18,2%, trong khi nước ta nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm tới trên 90% giá trị, cho thấy ngành công nghiệp, sản xuất đang phục hồi nhờ nhu cầu quốc tế bắt đầu tăng trở lại. Ngoài ra, tiêu dùng cũng tăng trưởng 8,7% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm, phản ánh sức mua nội địa tăng lên và sự lạc quan vào triển vọng thu nhập trong tương lai gần của người dân.
Đi trước Fed, ECB đã hạ lãi suất sau phiên họp ngày 6/6/2024, đưa lãi suất điều hành giảm xuống còn 4,25%. Trong khi đó, Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9. Việc các NHTW lớn như Fed và ECB cắt giảm lãi suất sẽ là yếu tố giúp cho áp lực lạm phát và tỷ giá ở Việt Nam phần nào được giải tỏa sau khi tăng tương đối nhanh trong nửa đầu năm (lạm phát tăng 4,03% và tỷ giá tăng khoảng 4%), từ đó giúp cho mặt bằng lãi suất có thể tiếp tục duy trì ở mức tương đối thấp.
Nhận định triển vọng thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, dòng tiền trên thị trường hiện tương đối ổn định và có xu hướng đang vào thị trường. Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán tăng với mức thấp hơn những kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản… và có thể một số nhà đầu tư đang chốt lời ở các kênh đầu tư khác và quay lại thị trường chứng khoán khi nhìn thấy đây là một kênh đầu tư triển vọng.
“Niềm tin nhà đầu tư rất quan trọng. Tháng 5 vừa qua, quá trình nhà đầu tư ngoài bán ròng rất mạnh với giá trị kỷ lục đạt hơn 15,6 nghìn tỷ đồng và thậm chí nhiều lúc không thể nghĩ thị trường có thể cầm cự được như vậy mà cuối cùng dòng tiền nội vẫn rất tốt. Đây cũng có thể coi là xu hướng mới của thị trường trong vòng 2 năm trở lại đây khi dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước đóng vai trò quan trọng trong xu hướng của thị trường. Chúng tôi kỳ vọng vào những nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản sẽ là hai ngành trụ cột giúp VN-Index sẽ tiếp tục có những đợt tăng trưởng. Ngoài ra một số nhóm ngành như dầu khí, hóa chất hoặc hàng tiêu dùng, công nghệ cũng sẽ có mức tăng trưởng tốt”, ông Tuấn nhận định.
Ông Trần Thăng Long cũng cho rằng, thanh khoản của thị trường mặc dù không tăng mạnh nhưng cũng duy trì ở mức xấp xỉ 1 USD/phiên là khả quan hơn so với năm ngoái. Gần đây, khối ngoại cũng bán rất mạnh thế nhưng dòng tiền trong nước không hề yếu thế và khá chủ động trong việc mua lại cổ phiếu, thị trường trong nước vẫn đang đi lên và VN-Index vẫn tăng. Đây là minh chứng cho thấy, dần dần nhà đầu tư trong nước đang tập trung hơn vào việc đánh giá lại những giá trị của thị trường chứng khoán trong nước và doanh nghiệp trong nước.
Vì vậy, bên cạnh những nhóm ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng thì những nhóm ngành đang có sự phục hồi thuận lợi từ nhu cầu thế giới như dầu khí hay hóa chất và một nhóm ngành từ nay đến cuối năm sẽ có tín hiệu khả quan liên quan đến xuất nhập khẩu như logistics, cảng biển, kho bãi, hàng không, hay nhóm ngành liên quan đến khu công nghiệp, nhóm ngành trực tiếp xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy sản... sẽ là những nhóm ngành nhiều tiềm năng.