NHTW Nhật sẽ giữ nguyên lãi suất
NHTW Nhật chưa đồng thuận về tốc độ tăng lãi suất Tăng lãi suất và thế khó của NHTW Nhật |
Sẽ giữ nguyên lãi suất
Cuộc họp chính sách tháng 10 của BOJ sẽ diễn ra trong hai ngày 30-31/10 tới, với kỳ vọng rằng BOJ sẽ giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức 0,25%. Trong báo cáo hàng quý sẽ được công bố sau cuộc họp, BOJ cũng được cho là sẽ không có thay đổi lớn nào đối với dự báo lạm phát, dự kiến dao động quanh mức 2% cho đến đầu năm 2027.
Dữ liệu trong nước gần đây chủ yếu ủng hộ quan điểm của BOJ rằng mức lương tăng và triển vọng tăng lương bền vững đang thúc đẩy tiêu dùng và khiến nhiều công ty tăng giá không chỉ đối với hàng hóa mà còn đối với dịch vụ. Ba nguồn tin quen thuộc với suy nghĩ của BOJ cho biết tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng cũng đang làm gia tăng kỳ vọng rằng các công ty sẽ tiếp tục tăng lương vào năm tới.
Vào tháng 3, BOJ đã chấm dứt chính sách lãi suất âm vốn đã được duy trì suốt 16 năm qua để hỗ trợ nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát. Cơ quan này cũng đã đưa ra tín hiệu về ý định tiếp tục tăng lãi suất từ mức đáy. Trên thực tế, BOJ đã tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7, với mục tiêu hướng tới lạm phát 2% một cách bền vững.
Tuy nhiên, BOJ đã buộc phải hạ thấp thông điệp cứng rắn và cam kết sẽ hành động chậm rãi hoặc thậm chí tạm dừng tăng lãi suất sau khi đợt tăng lãi suất vào tháng 7 bị cho là nguyên nhân gây ra sự hỗn loạn trên thị trường.
Trên thực tế, mặc dù Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã nhiều lần nói rằng BOJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế diễn biến theo đúng dự báo của mình, ông cũng cho biết họ sẽ không vội vàng vì lạm phát vẫn ở mức vừa phải.
Phần lớn các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát mới đây của Reuters cũng dự báo rằng BOJ sẽ không tăng lãi suất trong năm nay.
Tại Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tuần trước, IMF đã hoan nghênh việc BOJ tăng lãi suất vào tháng 7, song cũng kêu gọi họ tăng lãi suất theo tốc độ dần dần.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda |
Quan điểm sẽ ít ôn hòa hơn
Mặc dù BOJ dường như không vội tăng lãi suất, trong thông điệp phát đi, cơ quan này có thể sẽ cho thấy quan điểm ít ôn hòa hơn. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ nhấn mạnh mong muốn của BOJ trong việc để lại dư địa cho thời điểm thực hiện động thái tăng lãi suất tiếp theo. Điều này cũng có thể giúp ngăn đồng yên giảm giá sâu hơn, từ đó gây tổn hại đến tiêu dùng nội địa khi giá nhiên liệu và thực phẩm nhập khẩu tăng cao.
"Khi đồng yên lại giảm giá, BOJ có thể sẽ cố gắng tránh gửi đi thông điệp có vẻ quá ôn hòa", Ryutaro Kono, Chuyên gia kinh tế trưởng tại BNP Paribas, cho biết.
Thực tế, sau cuộc họp với các đồng cấp từ các nền kinh tế lớn tại hội nghị thường niên của IMF/WB tại Washington vào tuần trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã đưa ra quan điểm lạc quan thận trọng về triển vọng của nền kinh tế toàn cầu.
Vì vậy, BOJ có thể sửa đổi hướng dẫn chính sách trong tương lai. Trong báo cáo hiện tại được ban hành vào tháng 7, BOJ cho biết họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu điều kiện kinh tế và giá cả diễn biến theo dự báo của họ. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết cơ quan này có thể sẽ tranh luận xem có nên đưa thêm ngôn ngữ về rủi ro hoặc tác nhân gây ra sự thay đổi chính sách vào hướng dẫn hay không.
Sức ép chính trị và sự sụt giảm trở lại của đồng yên đang làm phức tạp thêm hoạt động truyền thông của BOJ. Mặc dù BOJ muốn hành động thận trọng để tránh làm đảo lộn thị trường, việc tỏ ra quá ôn hòa có thể tạo cho các nhà đầu cơ cái cớ để bán tháo đồng yên – một tình thế tiến thoái lưỡng nan mà ông Ueda cũng thừa nhận tại Washington.
"Khi có sự bất ổn lớn, bạn thường muốn tiến hành thận trọng và dần dần", ông Ueda phát biểu trước một hội đồng của IMF hôm 23/10. "Nhưng vấn đề ở đây là nếu bạn tiến hành rất, rất dần dần và tạo ra kỳ vọng rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong một thời gian rất dài, điều này có thể dẫn đến sự tích tụ lớn các vị thế đầu cơ có thể trở thành vấn đề".