NHTW Nhật sẽ tiếp tục duy trì lãi suất âm
Theo các nguồn tin này, trong báo cáo quý tại cuộc họp ngày 20-21/7, BOJ có khả năng dự báo lạm phát tiêu dùng cơ bản sẽ vượt quá mục tiêu 2% của BOJ một chút trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2023, tăng so với dự báo đưa ra vào tháng 4 là 1,9%. Tuy nhiên BOJ dự kiến sẽ dự báo lạm phát tiêu dùng cơ bản sẽ chậm lại khoảng 1% trong năm tài chính 2023 khi tác động của chi phí nhiên liệu tăng cao không còn nữa.
Ảnh minh họa |
Các nguồn tin cũng nói với Reuters, với việc lạm phát vẫn ở mức khiêm tốn hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển khác, BOJ thấy ít cần phải điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình trong bối cảnh đà phục hồi của kinh tế Nhật là khá mong manh. “Giá đang tăng và kỳ vọng lạm phát đang tăng cao. Nhưng sự không chắc chắn về kinh tế là rất cao”, một nguồn tin cho biết và quan điểm này được nguồn tin thứ hai lặp lại.
Theo đó, BOJ dự kiến sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm tài chính này từ 2,9% hiện tại, chủ yếu do các hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn nguồn cung do việc các biện pháp đóng cửa kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Các nhà phân tích được Reuters thăm dò ý kiến kỳ vọng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,2% và lạm phát tiêu dùng cốt lõi sẽ đạt 2,1% trong năm tài chính hiện tại. Các cuộc khảo sát gần đây đã cho thấy kỳ vọng lạm phát của hộ gia đình và doanh nghiệp đang tăng cao, với các công ty dự báo lạm phát sẽ ở mức khoảng 2% trong những năm tới.
Lạm phát tiêu dùng cơ bản tại Nhật đạt 2,1% trong tháng 5 so với một năm trước đó, tương tự như mức cao nhất trong 7 năm vào tháng 4, phần lớn do chi phí nhiên liệu và nguyên liệu nhập khẩu tăng.
Tuy nhiên Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết, lạm phát do chi phí đẩy như vậy sẽ không khiến BOJ rút các biện pháp kích thích tiền tệ, trừ khi kỳ vọng tiền lương và lạm phát tăng cao hơn. Tại cuộc họp chính sách tháng này, BOJ dự kiến sẽ giữ nguyên mục tiêu -0,1% đối với lãi suất ngắn hạn và đối với lợi suất trái phiếu 10 năm quanh mức 0% vì nó tập trung vào việc hỗ trợ nền kinh tế trầm lắng.
Nhật Bản đã tụt hậu so với các nền kinh tế lớn khác trong việc phục hồi sau đại dịch. Trong khi sự gia tăng các trường hợp lây nhiễm Covid-19 mới ở trong nước là nguyên nhân gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách, những người đang bám vào hy vọng rằng người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu trong mùa hè nhờ số tiền tiết kiệm tích lũy trong đại dịch.