NHTW Trung Quốc giảm lãi suất
NHTW Trung Quốc cam kết hỗ trợ nhu cầu trong nước Thế khó của NHTW Trung Quốc |
Giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng
Theo đó PBoC vừa cho biết, họ sẽ cắt giảm lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,8% xuống 1,7% và cũng sẽ cải thiện cơ chế hoạt động của thị trường mở.
Ngay sau đó, PBoC tiếp tục cắt giảm các mức lãi suất cho vay chuẩn (LPR). Cụ thể LPR kỳ hạn 1 năm giảm từ 3,45% xuống còn 3,35% và LPR kỳ hạn 5 năm giảm từ 3,95% xuống 3,85%. Hiện hầu hết các khoản vay mới và dư nợ ở Trung Quốc đều dựa trên LPR kỳ hạn 1 năm, trong khi lãi suất 5 năm ảnh hưởng đến việc định giá các khoản thế chấp.
Động thái cắt giảm lãi suất của PBoC được đưa ra sau khi Trung Quốc báo cáo GDP quý II chỉ tăng trưởng 4,7%, thấp hơn nhiều mức tăng 5,3% của quý đầu năm và cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2023. Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự suy giảm của thị trường bất động sản, trong khi tâm lý tiêu dùng và kinh doanh cũng yếu.
Ông Larry Hu - chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie cho biết, việc cắt giảm lãi suất của PBoC là một động thái bất ngờ, có thể là do đà tăng trưởng giảm tốc mạnh trong quý II, trong khi nước này vẫn quyết tâm đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2024.
PBoC cũng cho biết trong một tuyên bố rằng, việc cắt giảm lãi suất nhằm mục đích “tăng cường các điều chỉnh ngược chu kỳ để hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế thực”. Thông báo này cũng được đưa ra sau khi PBoC cải tổ kênh truyền tải chính sách tiền tệ của mình. Thống đốc PBoC Pan Gongsheng cho biết vào tháng trước, lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày về cơ bản phục vụ chức năng của lãi suất chính sách chính.
Tân Hoa Xã cũng dẫn lời các nguồn tin giấu tên thân cận với PBoC cho hay, việc cắt giảm lãi suất cho thấy quyết tâm thúc đẩy sự phục hồi và đáp lại lời kêu gọi đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc |
Sẽ còn tiếp tục nới lỏng
Trong khi ông Ju Wang – Trưởng bộ phận chiến lược tỷ giá và ngoại hối của Trung Quốc tại BNP Paribas cho biết, kỳ vọng ngày càng tăng về việc Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất cũng tạo cơ hội cho PBoC nới lỏng chính sách của mình, do áp lực lên đồng nhân dân tệ bởi chênh lệch lợi suất rộng với đồng đôla sẽ giảm bớt.
“Việc PBoC không đợi Fed cắt giảm lãi suất trước cho thấy chính phủ nhận ra áp lực suy giảm đối với nền kinh tế Trung Quốc”, Zhang Zhiwei - Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho biết. Ông cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ giảm lãi suất nhiều hơn sau khi Fed bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Nhiều chuyên gia khác cũng có chung quan điểm cho rằng PBoC sẽ tiếp tục thực hiện thêm các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế và động thái tiếp theo có thể sẽ là cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc RRR. Tommy Xie – Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc đại lục của OCBC cho biết, nội dung quan trọng tiếp theo cần theo dõi là RRR. Với gần 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trong Cơ sở cho vay trung hạn (MLF) đáo hạn vào tháng 8 và tháng 9, PBoC có cơ hội thay thế một phần thanh khoản này bằng các khoản bơm lâu dài hơn thông qua việc cắt giảm RRR.
Tương tự, Frances Cheung – Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối và lãi suất của OCBC Bank nhận định: “Tôi nghĩ rằng cần có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn. PBoC muốn hỗ trợ tăng trưởng bằng cách bơm thanh khoản trong khi coi lợi suất dài hạn là quá thấp; PBoC cuối cùng có thể kích hoạt việc bán trái phiếu trong hoạt động tiền tệ. Tiếp theo có thể sẽ là một đợt cắt giảm RRR tiềm năng”.
Trong các quyết định được đưa ra hôm 22/7, PBoC cũng đã điều chỉnh chương trình cho vay của mình, cho biết các yêu cầu về tài sản thế chấp đối với các khoản vay cơ sở, cho vay trung hạn sẽ được hạ xuống từ tháng 7.
Các nhà phân tích cho biết, điều đó có nghĩa là các ngân hàng sẽ cần nắm giữ ít trái phiếu dài hạn hơn cho nhu cầu thế chấp và có thể bán hoặc giao dịch nhiều hơn, giúp PBoC thực hiện việc đặt mức sàn cho lợi suất dài hạn, kiềm chế bong bóng trái phiếu và có được đường cong lợi suất dốc hơn.