NHTW Trung Quốc tiếp tục cắt giảm dự trữ bắt buộc
Theo một tuyên bố trên trang web của mình, PBoC cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1 điểm phần trăm, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/10 và được áp dụng cho các ngân hàng thương mại lớn, các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng thương mại thành phố, các ngân hàng thương mại nông thôn và các ngân hàng nước ngoài. Động thái này sẽ giải phóng tổng cộng 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (175 tỷ USD), trong đó 450 tỷ nhân dân tệ được sử dụng để trả nợ các công cụ tài trợ trung hạn hiện đang sắp đáo hạn, PBoC cho biết.
Ảnh minh họa |
Để hỗ trợ nền kinh tế đang có xu hướng giảm tốc ngày càng tồi tệ hơn bởi chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh và xung đột thương mại với Mỹ, NHTW Trung Quốc đã phải duy trì một chính sách tiền tệ nghiêng về nới lỏng ngay cả khi đồng nhân dân tệ đang rớt giá. Thế nhưng, chính sách hỗ trợ đó cộng với việc cắt giảm thuế và tăng nguồn kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chưa phát huy hiệu quả hoàn toàn và động lực kinh tế tiếp tục yếu đi trong tháng 9.
“Chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn đang ưu tiên các vấn đề kinh tế trong nước, bất chấp cuộc chiến thương mại leo thang và động thái thắt chặt của Cục Dự trữ liên bang”, Ming Ming – Trưởng bộ phận nghiên cứu thu nhập cố định tại Citic Securities Co. ở Bắc Kinh cho biết. “Việc cắt giảm (tỷ lệ dự trữ bắt buộc) sẽ giúp giảm bớt khó khăn tài chính trong nước”, ông nói.
Tuy nhiên trong thông cáo phát đi trên trang web của mình, PBoC cho biết, động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này cũng sẽ không ảnh hưởng đến tổng thanh khoản trong nền kinh tế, vì nó thay thế cho các công cụ hiện có và số tiền còn dư sẽ bù đắp áp lực thanh toán thuế vào giữa tháng 10. Việc cắt giảm sẽ không tạo áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ, PBoC khẳng định và cam kết sẽ duy trì thị trường ngoại hối hoạt động trôi chảy.
Trong khi đó, theo Wang Tao của UBS Group AG, thanh khoản tăng sẽ giúp hỗ trợ ngân hàng tăng cho vay và tín dụng nói chung. Đặc biệt, không giống như các công cụ tài trợ trung hạn của PBoC, nó là vĩnh viễn nên có thể giúp cải thiện thanh khoản của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng phát đi một tín hiệu nới lỏng mạnh mẽ hơn và qua đó có thể hỗ trợ tâm lý, điều đã trở nên tiêu cực ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi trong vài ngày qua.
Hai thước đo về hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn trong tháng 9, trong đó số liệu chính thức về các đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Những bế tắc trong tiến trình đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh về xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng có nghĩa khả năng danh mục thuế quan mà Mỹ áp đặt lên 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc hiện nay có thể sẽ chưa dừng lại, như Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đe dọa. Với việc sự lạc quan về nhu cầu bên ngoài ngày càng giảm, triển vọng đối với nền kinh tế Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các biện pháp kích thích mục tiêu được triển khai trong năm nay.
Với việc các thị trường đại lục đóng cửa nghỉ lễ trong tuần qua, đồng nhân dân tệ tại thị trường nội địa không giao dịch. Trong khi trong khoảng thời gian đó, đồng nhân dân tệ ở nước ngoài đã mất gần 0,3% giá trị so với đồng USD.
“Chỉ số PMI giảm, diễn biến tiêu cực trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, hoạt động kém hàng tuần tại Hồng Kông trong tuần qua trong khi thị trường chứng khoán nội địa đóng cửa nghỉ lễ khiến hầu hết các nhà đầu tư kỳ vọng những thông báo hỗ trợ vào cuối tuần trước sẽ có tác động đến diễn biến thị trường khi mở cửa trở lại vào thứ Hai” Karine Hirn - một đối tác tại East Capital ở Hong Kong cho biết.