Nhức nhối hành vi mua bán hóa đơn trái phép
Gia tăng mua bán hoá đơn đỏ Quảng Trị: Nhiều doanh nghiệp ‘ma’ có dấu hiệu trốn thuế TP.HCM: Phát hiện 49 doanh nghiệp mua bán hóa đơn |
Các đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn trị giá trên 1.200 tỷ đồng vào tháng 1/2024 tại TP. Hồ Chí Minh |
Số lượng và quy mô đều tăng
Thời gian gần đây, đặc biệt là thời điểm ngành thuế chuyển đổi hình thức quản lý từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, tình hình tội phạm mua bán trái phép hóa đơn tại một số tỉnh, thành có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, quy mô ngày càng lớn với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức.
Mới đây nhất, ngày 24/3, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hà Nam cho biết đã khởi tố vụ án “In, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam; ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Hậu (sinh năm 1980) và 12 bị can khác để điều tra về hành vi bán trái phép 1.500 hóa đơn GTGT cho hơn 300 đơn vị, cá nhân tại nhiều tỉnh, thành phố với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn khoảng 730 tỷ đồng. Đây là vụ án mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ trước đến nay.
Đặc biệt, ngày 19/12/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án đối với 100 bị cáo liên quan đến đường dây mua bán trái phép hóa đơn lớn nhất cả nước, trị giá gần 64.000 tỷ đồng. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, cầm đầu đường dây là bị cáo Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, trú tại TP. Hồ Chí Minh), trong thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 10/2022, Tú trực tiếp và thông qua 73 đối tượng trung gian, sử dụng 646 công ty để bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn GTGT cho hơn 88.000 đơn vị, tổ chức, với tổng giá trị gần 64.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, thời gian gần đây, tình hình tội phạm mua bán trái phép hóa đơn tại các tỉnh, thành trên cả nước có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, quy mô ngày càng lớn với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức. Không chỉ âm thầm hoạt động, các đường dây mua bán trái phép hóa đơn còn công khai hoạt động trên các trang mạng xã hội.
Theo khảo sát của phóng viên, chỉ cần tìm kiếm trên internet cụm từ “mua bán hóa đơn”, ngay lập tức sẽ bắt gặp tràn lan dịch vụ mua bán hóa đơn, bán hóa đơn đỏ, nhất là trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Telegram… thu hút số lượng thành viên quan tâm đến mua bán trái phép hóa đơn không hề nhỏ. Giá mua hóa đơn dưới 4 triệu đồng chỉ khoảng 60 - 150 nghìn đồng/tờ; hóa đơn trị giá từ 4 - 15 triệu đồng, chi phí là 4%, giá trị càng cao thì phí xuất khống càng rẻ. Việc định giá chi phí cho một tờ hóa đơn còn phụ thuộc vào thời gian hoạt động của doanh nghiệp xuất hóa đơn, phí xuất hóa đơn của doanh nghiệp lâu năm sẽ cao hơn các doanh nghiệp mới thành lập.
"Công ty ma" là một trong những công cụ để đường dây mua bán hóa đơn thực hiện các hành vi trái phép |
Ưu tiên giải pháp cảnh báo sớm
Trước thực trạng việc mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, đây là hành vi trắng trợn, những đối tượng thực hiện hành vi nghĩ rằng hoạt động trong môi trường điện tử sẽ khó bị xử lý. Do đó, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo ngành thuế triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để phát hiện những nguy cơ, rủi ro của những doanh nghiệp và thực hiện giám sát, cảnh báo sớm, để sai phạm xảy ra ở mức thấp nhất.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đơn vị sẽ tổ chức thực hiện rà soát định kỳ, tần suất lớn để nhận diện dấu hiệu vi phạm, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn, chứng từ giả; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; gian lận thuế, trốn thuế; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cố tình vi phạm theo đúng thẩm quyền; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, chuyển giao, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tiêu cực với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán trái phép hóa đơn, theo các chuyên gia, cần có quy định chế tài xử lý hành vi sử dụng trái phép hóa đơn hiện nay đủ mạnh, tương xứng với hành vi và hậu quả mà tội phạm mua bán hóa đơn gây ra. Đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hóa đơn điện tử, đặc biệt tập trung vào ứng dụng xác minh hóa đơn; bổ sung, khai thác triệt để các công cụ, ứng dụng cảnh báo, phân tích dữ liệu, truy xuất, phát hiện các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao về hóa đơn; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi thông tin tội phạm, vi phạm pháp luật về thuế nói chung, tội phạm mua bán trái phép hóa đơn nói riêng.