Những hé lộ bất ngờ từ di chỉ Vườn Chuối
Được phát hiện từ năm 1969, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung) từng bị bỏ quên và đối diện nguy cơ bị xóa sổ, nhưng hiện đang phát lộ những kết quả khai quật bất ngờ. 60 hố khai quật trên tổng diện tích 6.000 m2 ở phía Tây di chỉ Vườn Chuối bắt đầu khai quật từ tháng 3/2024 đến nay. Công việc này do Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiến hành. Kết quả đợt khai quật này đã cung cấp thêm nhiều tư liệu quý giá nghiên cứu về thời đại Kim khí ở miền Bắc nước ta.
TS. Nguyễn Ngọc Quý - Viện Khảo cổ học cho biết, cuộc khai quật lần này đã phát hiện mặt bằng khu cư trú thời tiền Đông Sơn. Di tích nằm ở vị trí cao nhất của gò Vườn Chuối, cấu trúc hình lòng chảo với rìa ngoài cao hơn bên trong khoảng 0,5m.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, thuyết minh về các phát hiện mới tại di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối |
Nhận định ban đầu về sự hình thành di tích, có thể người xưa lợi dụng địa hình gò đất tự nhiên cũng như giữa các gò để vượt thổ ở khu vực xung quanh, tạo khu cư trú bên trong và một vòng hào bảo vệ rộng khoảng 10m, sâu 2,5 - 3m bao quanh bên ngoài.
“Di tích có chiều dài 90m, rộng 35m và còn tiếp tục mở rộng sang phía Đông. Đất đắp là đất sét màu nâu vàng. Bên trong di tích là dấu tích các giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn. Sườn ngoài của di tích là nơi chôn cất người chết, trong đó góc Tây Bắc mật độ chôn cất rất cao tạo thành một bãi mộ tiền Đông Sơn”, TS. Nguyễn Ngọc Quý cho hay.
Việc phát hiện khu mộ táng này là từ thời sơ sử, cách đây khoảng 3.500 năm, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với hơn 100 ngôi mộ. Nhiều bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn cùng những đồ gốm tùy táng ở ngay dưới chân di cốt đã hé lộ nhiều thông tin cho các nhà khảo cổ, đặc biệt là tục nhổ răng cửa và đeo vòng đá lên tới tận khuỷu tay.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, ông đã làm khảo cổ 60 năm nhưng đây là lần đầu tiên thấy một khu di chỉ mà có nhiều mộ táng đến như vậy, đặc biệt là một số tập tục lần đầu tiên thấy ở Việt Nam. Một số bộ di cốt, các nhà khảo cổ đều thấy bị mất răng cửa số 2 và số 4, một số bộ hài cốt nhổ toàn bộ răng cửa. Còn cách họ đeo vòng cũng vậy, rất lạ và độc đáo.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung (Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội) thì chia sẻ, các di cốt khai quật cho thấy có một tục rất lạ, đó là tục nhổ răng cửa ở cả hàm trên và hàm dưới của người ở thời kỳ Phùng Nguyên muộn và Đồng Đậu sớm. Vì vậy, chúng ta có thể so sánh với các di cốt ở Xóm Dền, Mán Bạc đều là những di cốt tương đương niên đại tức là cách đây khoảng 3.500 năm.
Giới khảo cổ bước đầu nhận định khả năng di tích được hình thành trong giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm, là lớp cư dân đầu tiên đến cư trú ở khu vực này. Đây là phát hiện rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu thời đại Kim khí ở miền Bắc, mở ra giải đáp về một xã hội có tổ chức và phân công lao động ở trình độ tương đối cao.
Đáng chú ý, quá trình khai quật lần này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của kiến trúc nhà, nơi cư trú của người Việt cổ thời kỳ tiền Đông Sơn. Đó là hàng loạt vết lỗ chôn cột lần đầu tiên được tìm thấy duy nhất ở khu di chỉ Vườn Chuối, cho thấy người Việt cổ dường như đã từng sống trong những ngôi nhà dài, có kiến trúc như các ngôi nhà dài ở Tây Nguyên.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, các nhà nghiên cứu đã dựng lại được cấu trúc của hai kiến trúc nhà dài. Những kiến trúc của nhà dài này có khá nhiều đặc điểm giống như nhà dài của đồng bào Tây Nguyên hiện nay. Theo vị chuyên gia này, dựa vào một số hiện vật bước đầu có thể đoán định, trong giai đoạn tiền Đông Sơn có hai nhóm mộ, nhóm mộ thứ nhất là Phùng Nguyên muộn, Đồng Đậu sớm và nhóm mộ thứ hai là nhóm mộ Đồng Đậu - Gò Mun. “Trong một quy luật chung thì tất cả những ngôi mộ tiền Đông Sơn này đồ gốm tùy táng theo đều được đặt dưới chân. Chỉ có một ngôi mộ đồ gốm đặt dưới vai, theo đoán định ngôi mộ này sang giai đoạn Gò Mun”, GS.TS Mỹ Dung chia sẻ, nhấn mạnh thêm, đây chỉ là báo cáo sơ bộ, còn rất nhiều ngôi mộ mới chỉ xuất lộ ra thôi, chúng ta chưa làm tiếp. Vì thế cũng còn nhiều bí ẩn đang nằm dưới lòng đất, cần được tiếp tục nghiên cứu.
Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối đã được khai quật tính đến nay là 11 lần. Qua những lần khai quật các nhà nghiên cứu, khảo cổ học cũng đoán định ra được việc cư dân đã đến khu vực này sinh sống. Từ cách người ta cải tạo mặt bằng, đặc biệt là đời sống sinh hoạt của cư dân tiền Đông Sơn và Đông Sơn cách đây hơn 3.000 năm. Với tầm quan trọng như vậy nên di chỉ Vườn Chuối đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng cũng như các nhà khoa học. Vẫn theo GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, lần khai quật này cho thấy tầm quan trọng của di chỉ có nhiều tầng văn hóa lại sát ngay Hà Nội, trong một khu vực bị đô thị hóa rất nhanh. Các chuyên gia khảo cổ học cũng khẳng định, không phải chúng ta khai quật khi thấy hiện vật là xong. Sắp tới phải có những động thái về mặt pháp lý cũng như sự chung tay của cộng đồng và các nhà khoa học để chúng ta có thể giữ lại di chỉ khảo cổ học này. Khai quật, phát triển khảo cổ học bền vững, dành tài nguyên cho thế hệ mai sau.
Đề nghị sớm công nhận di tích Vườn Chuối Những năm qua, các nhà khoa học, nhà khảo cổ nhiều lần lên tiếng về tình trạng xâm phạm di chỉ Vườn Chuối. Năm 2019, lãnh đạo Viện Khảo cổ lên tiếng về đơn vị thi công dự án đường xuyên qua di chỉ Vườn Chuối đã san ủi, lắp đặt cống ngầm tại khu vực gò Mỏ Phượng, Dền Rắn khi nhà khoa học chưa bàn giao mặt bằng. Điều này ảnh hưởng tới hiện vật và quá trình nghiên cứu khảo cổ ở khu vực này. Các nhà khoa học nhiều lần đề xuất bảo vệ vùng lõi của di chỉ Vườn Chuối, xây dựng hồ sơ di tích đối với khu vực này, biến Vườn Chuối trở thành công viên khảo cổ học quy mô quốc gia. Sau khi thu được những kết quả khảo cổ học mới nhất tại di chỉ hơn 3.000 tuổi Vườn Chuối, đoàn khai quật đề nghị UBND TP. Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đẩy nhanh việc công nhận di chỉ Vườn Chuối là di tích cấp Thành phố và thực hiện kế hoạch bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. |