Những tuyến đường thanh toán không tiền mặt
Trong đó, UBND quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) là một điển hình về tổ chức xây dựng các tuyến đường chuyên doanh phù hợp với sự phát triển kinh tế địa bàn bao gồm các tuyến đường vải Phú Thọ Hòa, tuyến phố ẩm thực Nguyễn Nhữ Lãm, tuyến phố thương mại - dịch vụ Tân Sơn Nhì, tuyến phố ô tô Chế Lan Viên.
Các điểm chấp nhận thanh toán thẻ ngày một đa dạng ở các nhà hàng, quán ăn - Ảnh: Đình Hải |
Mở tuyến đường chuyên doanh trước, thanh toán theo sau
Ông Kha Tuấn Quốc - Phó chủ tịch UBND phường Phú Thọ Hòa (Quận Tân Phú) chia sẻ về việc chọn các tuyến đường tập trung kinh doanh một mặt hàng đặc thù áp dụng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, 2 tuyến đường chuyên doanh vải sợi và nguyên phụ liệu ngành may Phú Thọ Hòa, Lê Văn Phan, một tuyến đường ẩm thực Nguyễn Nhữ Lãm đã được chọn làm tuyến đường phát triển thanh toán không tiền mặt theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg của Chính phủ và Quyết định số 4066/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh.
Sau 2 năm triển khai, tại những tuyến đường tập trung những ngành nghề đặc thù trên đã có trên 90% cơ sở có tài khoản ngân hàng, 100% cơ sở kinh doanh nhận tiền thanh toán qua việc quét mã QR.
Ông Tuấn kể, ban đầu phường phối hợp với MB, BIDV tập trung giới thiệu các sản phẩm dịch vụ hiện đại và hướng dẫn đăng ký tài khoản ngân hàng và nhận tiền bán hàng thông qua mã quét mã QR tại tuyến đường vải Phú Thọ Hòa kết quả 505/505 hộ kinh doanh, Lê Văn Phan 187/187 hộ kinh doanh, tuyến phố ẩm thực Nguyễn Nhữ Lãm 54/54 hộ kinh doanh đăng ký đạt 100%.
Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND phường đã tiến hành kết hợp cùng với hậu kiểm 230 hộ kinh doanh đăng ký mới và đã vận động tuyên truyền hướng dẫn đăng ký tài khoản ngân hàng và nhận tiền bán hàng thông qua mã QR đạt tỷ lệ 70%. Số còn lại là hộ kinh doanh nhỏ tập trung vào gia công, sản xuất nhỏ.
Ngoài ra, UBND phường kết hợp thông tin, phố biến vận động hộ kinh doanh thực hiện đăng ký tài khoản ngân hàng dùng để thanh toán không sử sụng tiền mặt kết quả có 70% hộ kinh doanh tham gia thực hiện, đang có ít nhất 1 tài khoản và 1 mã QR thanh toán.
Ông Kha Tuấn Quốc cho rằng phường đã tích cực vận động các hộ kinh doanh mở tài khoản và chấp nhận thanh toán không tiền mặt qua mã QR, cùng với đó cán bộ, công chức, người lao động của chính quyền cũng dùng tài khoản thẻ ngân hàng để nhận lương và thanh toán không dùng tiền mặt. Trước ngày 1/4/2024, lực lượng dân phòng bảo vệ dân phố, dân quân thường trực của phường Phú Thọ Hòa đã có 99% nhận phụ cấp qua tài khoản ngân hàng. Các trường hợp nhận tiền bảo trợ xã hội và gia đình chính sách cũng được chính quyền vận động mở tài khoản nhận tiền qua ngân hàng và địa phương vẫn đang tiếp tục thông tin để vận động người dân sử dụng các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo UBND phường Tân Sơn Nhì, trước năm 2020, phần lớn người dân và các cơ sở kinh doanh sử dụng hình thức thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Từ năm 2023, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Phòng Kinh tế quận Tân Phú đã hỗ trợ UBND phường thông tin, phổ biến những ưu điểm khi sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, UBND phường phối hợp với các NHTM hỗ trợ đơn vị kinh doanh và người dân đăng ký và sử dụng tài khoản ngân hàng, hướng dẫn sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Tân Sơn Nhì 100% các cơ sở kinh doanh tại tuyến phố “Thương mại - Dịch vụ” Tân Sơn Nhì đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt… Người dân, đặc biệt là giới trẻ đã có thói quen sử dụng về phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. |
Cùng với xu thế chuyển đổi số, UBND phường Tân Thới Hòa (Quận Tân Phú) vận động tiểu thương, người lao động tự do thanh toán không dùng tiền mặt trong các hoạt động thương mại, dịch vụ công… tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số. Thông qua việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng cũng như những lợi ích của chuyển đổi số nói chung giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ thúc đẩy các hoạt động kinh tế số trên địa bàn.
Ông Phạm Vũ Ánh - Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh Tân Bình cho biết, ngân hàng cung cấp các sản phẩm thanh toán hiện đại Internet Banking, Digibiz, POS, thẻ chi tiêu doanh nghiệp, mã QR cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh có tính lan tỏa cao ra cộng đồng như: Chuỗi cửa hàng Thế giới Di động, Bách Hóa Xanh, Trường Đại học Công Thương, Bệnh viện Thống Nhất…
Theo ông Ánh, để mang đến cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh những dịch vụ tiện ích và hấp dẫn khách hàng của họ, các NHTM phối hợp với Phòng Kinh tế địa phương triển khai ngay kênh thông tin tích hợp đường link (đường dẫn) về sản phẩm dịch vụ của các ngân hàng trên địa bàn có cập nhật phí, lãi suất theo thời gian ngay trên trang mục của Phòng Kinh tế địa bàn thông qua website của UBND quận, huyện để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể truy cập, liên hệ ngay đầu mối của các ngân hàng công khai, nhanh chóng, có độ uy tín cao. Cùng với đó, NHTM tặng bảng QR Code in sẵn miễn giảm phí, để doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt cho khách hàng của họ.
“Lợi ích kép” từ kết nối
Ông Phạm Công Chánh - Phó chủ tịch UBND quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, Chương trình đã đem đến “lợi ích kép” cả về phía doanh nghiệp và ngân hàng, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ở Quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) tập trung vào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: Đ.Thịnh |
Ông Phạm Công Chánh cho rằng, thông qua Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, UBND quận Tân Phú tiếp tục triển khai thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg và Quyết định số 4066/QĐ-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, viện phí. Đặc biệt, chương trình trợ cấp an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp.
Theo UBND quận Tân Phú, đến nay công tác triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận đạt được kết quả tích cực. 100% trường học trên địa bàn quận sử dụng phần mềm SSC thu học phí qua ứng dụng MoMo, ZaloPay. 30% trường hợp bảo trợ xã hội, gia đình chính sách có công nhận trợ cấp, nhận lương qua thẻ, tài khoản ngân hàng. Kết quả cũng ghi nhận có trên 95% hộ gia đình thanh toán tiền điện, nước thông qua ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Đặc biệt, vận động tiểu thương chợ truyền thống sử dụng quét mã QR trong giao dịch mua bán, hình thành các tuyến đường chuyên doanh thanh toán không dùng tiền mặt.