NIM ngân hàng mỏng dần
Mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng khá nhanh trong thời gian qua do sức ép của lạm phát cũng như các ngân hàng đang tích cực hút thêm vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh cuối năm. Trong khi đó, hiện các nhà băng vẫn cố gắng duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp theo chỉ đạo của NHNN để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh. Trong báo cáo mới nhất về ngành Ngân hàng, các chuyên gia của VNDirect cho rằng, lãi suất cho vay khó có thể theo kịp với chi phí huy động vốn tăng cao do NHNN đã và đang yêu cầu các NHTM duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Do đó, việc lãi suất huy động tăng nhanh sẽ tác động tiêu cực đến tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.
Khó khăn nữa đối với hoạt động ngân hàng thời gian tới, theo đánh giá của TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam, có thể đến từ áp lực nợ xấu tăng. Khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại khoản nợ đã hết hiệu lực mà doanh nghiệp chưa phục hồi kịp sau hai năm dịch bệnh dẫn đến khả năng trả nợ ngân hàng tiếp tục khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu tăng, buộc ngân hàng phải tăng dự phòng bù đắp rủi ro, từ đó tăng chi phí, “ăn mòn” vào lợi nhuận. “Bối cảnh trên khiến NIM của ngân hàng đang có xu hướng co lại, mỏng dần so với trước đây”, ông Bình nói thêm.
Minh chứng là NIM quý III/2022 của một số ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm 2021 như VPbank giảm 0,96%, TPBank giảm 0,28%, BacABank giảm 0,14%, Techcombank giảm 0,13%, ACB giảm 0,03%...
Lãnh đạo một ngân hàng thừa nhận, áp lực duy trì NIM hợp lý ngày càng khó khăn khi mặt bằng lãi suất huy động tăng, mà lãi suất cho vay khó tăng theo. Thường các ngân hàng phải duy trì NIM ở mức 3%-4% để vừa đảm bảo lợi nhuận vừa đủ khả năng chống đỡ rủi ro nợ xấu gia tăng. Nhưng hiện tại khả năng NIM đạt ở mức trên không hề dễ dàng đối với nhiều ngân hàng.
Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, diễn biến lãi suất hiện nay không còn có lợi cho các ngân hàng như giai đoạn trước. Cụ thể, năm 2020 và năm 2021, nguồn thu từ mảng tín dụng của ngân hàng tăng do lãi suất huy động giảm mạnh, trong khi lãi suất cho vay chỉ giảm từ từ, giúp hệ số NIM tăng cao. Nhưng bước sang năm 2022, chi phí đầu vào tăng theo lãi suất huy động, NIM giảm dần và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.
Chung nhận định NIM toàn Ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới nhưng nhóm phân tích của CTCK Yuanta cho rằng NIM của các ngân hàng sẽ có sự phân hóa. Các ngân hàng có tỷ lệ LDR (Loan to Deposit Ratio – tổng cho vay/tổng huy động) thấp hoặc các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn thấp sẽ ít chịu áp lực về NIM nhiều hơn. Đặc biệt, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao sẽ chống chịu tốt hơn trước tác động của xu hướng gia tăng chi phí vốn.
TS. Lê Duy Bình cũng phân tích, chiến lược quản trị rủi ro và tiềm lực của mỗi ngân khác nhau, nên NIM trong thời gian tới sẽ có sự phân hoá. Đơn cử như về lãi suất huy động cũng đã có sự khác nhau. Nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất huy động không quá cao nhưng vẫn đảm bảo được khả năng thanh khoản, thu hút tiền gửi dân cư nhờ vào giá trị thương hiệu và cung cấp những trải nghiệm dịch vụ an toàn, tiện lợi cho khách hàng.
Mặt khác, các ngân hàng với trình độ quản lý, ứng dụng công nghệ khác nhau nên chi phí hoạt động sẽ không giống nhau. Không ít ngân hàng khá thận trọng, đã trích lập dự phòng ngay khi nhận thấy rủi ro tiềm ẩn giúp họ quản trị tốt hơn. Vì vậy, NIM của nhóm ngân hàng này có thể ảnh hưởng bởi thị trường chung nhưng sẽ không bị suy giảm nhiều so với các ngân hàng khác.
Với bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng ngân hàng phải tiếp tục nâng cao khả năng, năng lực quản trị về tài chính, từ đó tiết giảm chi phí hoạt động, cải thiện NIM. Đi kèm với đó là tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ để tăng thu từ mảng này. Hiện nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh mảng dịch vụ như thanh toán, bảo hiểm… những dịch vụ này phát triển sẽ cải thiện NIM của ngân hàng.
Dự báo, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu vốn đầu tư cho phục hồi sản xuất kinh doanh tăng, trong khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể hồi phục ngay. NIM của các ngân hàng sẽ tiếp tục chịu thêm áp lực. Hướng giải pháp giúp giảm sức ép lên NIM đồng thời để góp phần ổn định mặt bằng lãi suất cho vay được một chuyên gia đề xuất là đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp trong thời gian tới. “Điều này là hết sức cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay. Nếu được triển khai tốt, gói cấp bù lãi suất 2% có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản và bù đắp phần nào việc tăng lãi suất”, vị chuyên gia này nhận định.