NIM ngân hàng sẽ cải thiện, nhưng có phân hóa
NIM ngân hàng mỏng dần |
Ông đánh giá thế nào về khả năng cải thiện NIM của các ngân hàng trong thời gian tới?
NIM là một chỉ số quan trọng trong bức tranh kinh doanh của các ngân hàng. Những ngân hàng có NIM cao cho thấy khả năng sinh lời tốt. Thời gian vừa qua, NIM ngân hàng có chiều hướng thu hẹp do các ngân hàng đã tích cực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, trong khi lãi suất tiết kiệm đầu vào lại không thể giảm quá sâu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh |
Tuy nhiên, bước sang năm 2024, sức ép từ kinh tế thế giới dịu bớt, cùng với đó, lãi suất tiền gửi được điều chỉnh về vùng lãi suất thấp, trong khi nhu cầu tín dụng cũng tăng trưởng trở lại và dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục phục hồi. Qua đó giúp NIM của ngân hàng cải thiện hơn. Dù vậy, mức độ phục hồi của NIM không thể kỳ vọng đạt được như mức của năm 2022 và có sự phân hoá giữa từng nhóm ngân hàng.
NIM sẽ có sự phân hoá như thế nào, theo ông?
Việc xác định NIM của NHTM không đơn thuần chỉ làm phép tính trừ giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động vốn, mà phải tính toán đầy đủ các chi phí cấu thành nên giá thành đầu ra như chi phí từ lãi suất huy động và các chi phí khác, bao gồm chi phí dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, chi phí dự trữ đảm bảo khả năng thanh toán, chi phí hoạt động dự phòng rủi ro… Vì vậy, tỷ lệ NIM cũng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào chi phí cấu thành giá đầu ra của các ngân hàng.
Hiện Chính phủ, NHNN vẫn chủ trương giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, kích thích cầu tín dụng. Thực tế, nhóm ngân hàng quốc doanh chiếm thị phần lớn luôn đi đầu hưởng ứng, thực hiện các chính sách của Chính phủ, ngành Ngân hàng khó có thể tăng lãi suất cho vay, mà vẫn tiếp tục duy trì các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên, nên sẽ có mức độ phục hồi NIM không cao.
Đối với các NHTM tư nhân, mức phục hồi NIM có thể đạt mức cao hơn khi khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Do nhóm ngân hàng này tập trung cho vay bán lẻ, với các phân khúc cho vay tiêu dùng nên lãi suất cho vay bình quân cũng cao hơn.
NIM ngân hàng có chiều hướng thu hẹp do các ngân hàng đã tích cực giảm lãi suất cho vay |
Ngoài ra, trong kỷ nguyên số hóa, ngân hàng nào đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chuyển đổi ngân hàng số, tăng trải nghiệm cho khách hàng… sẽ giảm bớt chi phí hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần cải thiện được NIM.
Vậy theo ông, các ngân hàng cần làm gì để gia tăng hiệu quả hoạt động trong thời gian tới?
Trước hết, ngân hàng muốn giữ nhịp phục hồi của NIM cần phải tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, quản trị… hướng tới đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế về quản trị như Basel II, Basel III. Việc quản trị tốt sẽ góp phần giúp ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, cải thiện NIM. Đi kèm với đó là tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ để tăng thu từ mảng này. Hiện, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ hiện đại sẽ giúp tăng tỷ trọng thu nhập từ ngoài lãi, cải thiện NIM của ngân hàng. Việc tích cực chuyển đổi số cũng giúp ngân hàng tối ưu chi phí hoạt động cũng là một yếu tố thuận lợi để phục hồi NIM.
Khi chưa thể tăng lãi suất cho vay và không thể giảm lãi suất huy động thêm nữa, những ngân hàng có tỷ trọng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Vì vậy, các nhà băng cần tích cực thu hút lượng tiền gửi giá rẻ này để vừa giảm thiểu sức ép lên NIM vừa gia tăng hiệu quả hoạt động.
Xin cảm ơn ông!