Nỗ lực giải bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam cần có 3 triệu nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2030.
Ngành công nghệ thông tin được đánh giá là ngành được trả mức lương tương đối cao. Nếu không tính cấp bậc giám đốc, trung bình mức lương của người làm trong ngành công nghệ thông tin - phần mềm ở Việt Nam dao động từ 9 - 40 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, thực tế trong bối cảnh nhiều cơ quan, doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi số, nhu cầu nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin - phần mềm luôn ở mức cao và đi kèm là đãi ngộ tốt, nhưng việc tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin luôn là “bài toán khó” với nhiều doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.
Việt Nam cần có 3 triệu nhân sự hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào năm 2030 |
Việt Nam đã có các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáng kể trong vài năm qua. Nhưng nhu cầu tuyển dụng nhân lực tại Việt Nam còn rất lớn và ngày càng yêu cầu cao về chất lượng. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ thì đào tạo so với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp vẫn còn quá thấp.
Ngay khi tuyển dụng nhân sự công nghệ mới tốt nghiệp thì hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều phải đào tạo lại, tức là đưa nhân sự đi triển khai và tiếp cận với các tình huống thực tế để có các kiến thức thực chiến. Quá trình này thường kéo dài và tốn kém nhiều nguồn lực của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, Việt Nam cũng trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, trong đó lấy công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm nền tảng.
Ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế lớn dựa trên tri thức và công nghệ với quy mô 100 tỷ USD và xấp xỉ 1 triệu lao động trí thức. Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với một trong những nền móng quan trọng trong phát triển kinh tế số và xã hội số chính là nhân lực số.
Với trụ cột này, chiến lược hướng đến tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng, với điểm đột phá là các trường đại học số, người học có thể học và thi trực tuyến, có thể sử dụng học liệu số được cá nhân hóa, có thể được hỗ trợ học tập bởi trí tuệ nhân tạo.
Chiến lược đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong đó tăng mạnh chỉ tiêu đào tạo các ngành Công nghệ thông tin, công nghệ số và các lĩnh vực có liên quan (tương ứng cùng đó là tăng đầu tư cho các điều kiện đảm bảo chất lượng).
Đào tạo nhân sự là yếu tố then chốt |
Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học ở các lĩnh vực ngành, nghề đào tạo mở thêm các chuyên ngành đào tạo và đẩy mạnh đào tạo đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên trình độ tiến sĩ về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.
Nhằm thúc đẩy đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực ICT, ngay từ cuối năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn các cơ sở đào tạo về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo đó, cho phép các cơ sở đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên này, đồng thời gia tăng sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, bà Thủy chia sẻ thêm.
Các cơ sở đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin |
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn công nghệ quốc tế nhằm đào tạo và nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin để bổ sung sự thiếu hụt.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết: Tôi tin rằng thỏa thuận hợp tác mang tính lịch sử giữa Tập đoàn KCG (Nhật Bản) và Tập đoàn CMC sẽ đem đến nhiều chương trình triển khai hiệu quả về giáo dục đào tạo giữa hai bên, thông qua đó sẽ góp phần đào tạo thêm nhiều chuyên gia công nghệ thông tin chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế cho đất nước trong tương lai.
Được biết, Học viện Máy tính Kyoto (KCG) thành lập năm 1963, là tổ chức giáo dục đầu tiên đào tạo về máy tính tại Nhật Bản. Năm 2004, Tập đoàn KCG thành lập Trường sau Đại học Công nghệ Thông tin Kyoto (KCGI) và là trường đầu tiên đào tạo chuyên môn ngành công nghệ thông tin trình độ sau đại học tại Nhật Bản. Từ 2005, KCG trở thành nơi tiên phong triển khai hệ thống E-learning tiên tiến, giúp cho các khóa học E-learning trở nên phong phú và đa dạng hơn. Tập đoàn KCG có đội ngũ giảng viên với trình độ và đẳng cấp cao, có môi trường đào tạo tiên tiến, trang thiết bị hiện đại, luôn là một trong các đơn cơ sở đào tạo công nghệ thông tin hàng đầu trong suốt 60 năm qua.
Cụ thể, Tập đoàn KCG và Tập đoàn CMC sẽ trao đổi mô hình giáo dục và kinh nghiệm quản lý để giúp CMC phát triển CMC Education (CMC Edu) trở thành tổ chức giáo dục toàn cầu về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, hai bên sẽ tiến hành trao đổi giảng viên, sinh viên tùy theo nhu cầu, cũng như trao đổi kinh nghiệm triển khai thực tế ứng dụng công nghệ thông tin trong xã hội số theo mô hình Xã hội 5.0 của Nhật Bản.
CMC Education sẽ trao đổi và giới thiệu sinh viên theo học các chương trình đào tạo cử nhân tại Học viện Máy tính Kyoto (KCG) và chương trình đào tạo sau đại học tại KCGI |
Trong hợp tác cung ứng nhân lực, Tập đoàn CMC sẽ ưu tiên tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp KCG và KCGI làm việc tại CMC Japan ở Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, CMC Education sẽ trao đổi và giới thiệu sinh viên theo học các chương trình đào tạo cử nhân tại Học viện Máy tính Kyoto (KCG) và chương trình đào tạo sau đại học tại KCGI.