Nỗ lực giải ngân đầu tư công thúc đẩy kinh tế
Nỗ lực đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công Quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, vực dậy đầu tư tư nhân |
Bốn tháng đầu năm 2024, TP. Hồ Chí Minh chỉ giải ngân vốn đầu tư công hơn 6.225 tỷ đồng, đạt 7,9% vốn được giao. Đánh giá về kết quả này, ông Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có nhiều dự án nhưng bị dừng lại với nhiều nguyên nhân như: vốn, pháp lý, giải phóng mặt bằng… khiến dự án bị “treo”.
Tháo từng điểm nghẽn
Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh được giao tổng số vốn đầu tư công là 75.577 tỷ đồng. Tại kỳ họp tháng 3/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công giữa các cơ quan, đơn vị với tổng số vốn điều chỉnh tăng và giảm tương ứng là 3.702 tỷ đồng, đảm bảo không thay đổi mức vốn đầu tư công của thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công luôn là việc được thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt |
Liên quan đến việc cân đối nguồn vốn cho các dự án, tại Kỳ họp thứ 15 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa X diễn ra mới đây, thành phố xin điều chỉnh tăng 1.112 tỷ đồng để bố trí vốn thực hiện các dự án chuyển tiếp, khởi công mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, quyết định điều chỉnh dự án đầu tư; các dự án chuẩn bị đầu tư đã được quyết định chủ trương đầu tư; các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và các dự án trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, để không thay đổi mức vốn đầu tư công năm 2024 được giao, thành phố đề xuất giảm số vốn tương ứng, trong đó phần lớn (1.100 tỷ đồng) là điều chỉnh giảm vốn các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố tập trung.
Đối với điểm nghẽn về pháp lý, xác định đầu tư công phải qua nhiều công đoạn, hoàn thành nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, công sức… Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công luôn là việc được thành phố tập trung chỉ đạo và thực hiện quyết liệt. Thành phố tổ chức họp thúc đẩy đầu tư công hàng tuần, thống nhất các giải pháp với các chủ đầu tư, sở ngành, quận huyện và nhà thầu. Các sở, ngành cũng phải tăng cường trách nhiệm trong giải quyết thủ tục có liên quan, từ thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư, giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quỹ nền nhà tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Toàn Thắng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2024, thành phố giao 23.000 tỷ đồng cho công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với 158 dự án. Để nhanh chóng đền bù giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, theo quy định, muốn thực hiện một dự án đầu tư công, phải chuẩn bị trước quỹ nhà và nền đất. Thành phố đang có số lượng căn hộ và nền đất trống, sẵn sàng cho 258 dự án đầu tư công đang triển khai.
Theo đó, thành phố còn hơn 11.000 căn hộ và nền đất, trong đó có gần 9.000 căn hộ và hơn 2.000 nền đất được tạo lập bằng ngân sách nhà nước, đang để dành, trong đó có 5.467 căn hộ và nền đất dành bố trí cho các dự án đầu tư công. Còn lại, thành phố có chủ trương đấu giá 4.969 căn hộ và nền đất, gồm 4.927 căn hộ và 42 nền đất; 3.790 căn hộ ở khu tái định cư Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) và gần 1.000 căn hộ ở Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh).
“Nếu công tác đền bù, giải tỏa thực hiện tốt, mặt bằng giao cho nhà thầu, đơn vị thi công sớm nhiều dự án sẽ được khởi công sớm, nhanh hoàn thành đưa vào sử dụng… góp phần làm cho bộ mặt đô thị khang trang sạch đẹp hơn. Đặc biệt, khi dự án được triển khai thi công một lượng vốn khổng lồ từ các nguồn lực khác nhau sẽ chảy vào thị trường, góp phần cho kinh tế TP. Hồ Chí Minh sôi động hơn”, ông Nguyễn Toàn Thắng bổ sung.
Tiếp tục vận dụng cơ chế để tháo gỡ cho các dự án
Phân tích về tầm quan trọng của đầu tư công, ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo tính toán, 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra trong giai đoạn này sẽ thu hút được khoảng 6,8-9,54 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Chính vì vậy, việc giải ngân đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh.
Theo ông Trần Du Lịch, Nghị quyết 98 của Quốc hội đã mở ra cơ chế cho TP. Hồ Chí Minh kết hợp đầu tư công nhằm phát huy nguồn vốn xã hội qua hình thức đối tác công tư (PPP). Với Nghị quyết 98, TP. Hồ Chí Minh sẽ được phép tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên tối đa 70% tổng mức đầu tư. Nghị quyết 98 cũng cho phép áp dụng hợp đồng BOT (xây dựng- vận hành-chuyển giao) đối với các dự án nâng cấp công trình đường bộ hiện hữu; cho phép áp dụng hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) được thanh toán bằng ngân sách nhà nước.
Một vấn đề quan trọng nữa trong phát triển giao thông, Nghị quyết 98 còn cho phép thành phố mở rộng hình thức kết nối giao thông với khu đô thị dân cư (TOD) qua việc thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư; tạo quỹ đất để đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ…
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh cũng rất nỗ lực thực hiện hóa các quy định tại Nghị quyết 98 trong việc triển khai các dự án PPP trên địa bàn khi đưa ra 54 dự án đầu tư PPP, trong đó có các dự án về thể thao, y tế, giáo dục, cầu đường… Tuy nhiên, thực tế, chính quyền thành phố cũng chỉ tận dụng được một số điểm trên Nghị quyết 98, bởi vấn đề còn lại là quy trình thủ tục như điều chỉnh quy hoạch, đền bù, giải tỏa… vẫn chưa thể rút ngắn được, nên chưa kích thích được đầu tư PPP.
“Chính vì vậy, bên cạnh Nghị quyết 98, Chính phủ ban hành 3 nghị định nữa và hiện nay đang chuẩn bị ban hành thêm 1 nghị định mở rộng, phân cấp phân quyền để minh bạch quản lý nhà nước trên địa bàn. Vấn đề nào thuộc trách nhiệm chính quyền thành phố phải làm, được làm, vấn đề nào phải xin bộ, ngành trung ương sẽ được minh bạch ra trong các quy định sắp tới này. Từ đó nhà đầu tư cũng yên tâm có khuôn khổ pháp lý bảo đảm để họ tham gia”, ông Lịch nói.
Hiện tại nhằm giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả nhất, lãnh đạo thành phố đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chuyển tiếp như Vành đai 3, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạp xiếc đa năng Phú Thọ, các bệnh viện đa khoa cửa ngõ…
“Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và đẩy nhanh các dự án trọng điểm. Nhiều giải pháp đồng bộ được lãnh đạo thành phố chỉ đạo. Những cơ chế có trong Nghị quyết 98 sẽ được vận dụng để tháo gỡ cho các dự án”, ông Cường khẳng định.