Nỗ lực “tái vốn” để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh
Cân đối để giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam tiếp đà tăng trưởng |
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký hợp đồng tài trợ vốn cho Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam với tổng giá trị lên đến 3.800 tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD.
Theo sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hoà, Vietcombank Khánh Hòa luôn xác định việc mở rộng phạm vi hoạt động nhằm thu hút và hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong và tỉnh Khánh Hòa là nhiệm vụ quan trọng.
Ông Đỗ Trọng Thảo, quyền Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Vietcombank Khánh Hòa là chi nhánh ngân hàng có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Khánh Hòa, là điểm sáng toàn diện. Sự kiện ký kết hợp đồng tài trợ vốn tín dụng trên là minh chứng sống động cho sự phát triển của doanh nghiệp và chất lượng phục vụ khách hàng của Vietcombank, góp phần phát triển ngành công nghiệp địa phương.
Ngành Ngân hàng tỉnh Khánh Hoà tập trung cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay đối với khách hàng |
Với vai trò là TCTD đi đầu trong đầu tư tín dụng cho tam nông, thời gian qua, Agribank Khánh Hòa đã có nhiều giải pháp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của bà con nông dân, khách hàng tại địa phương. Trong đó, cho vay qua tổ là một trong những mô hình mang lại thành công. Đơn cử, Tổ vay vốn số 1 Hội Nông dân xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hoà) hiện có 101 thành viên. Trước đây, hội viên của Tổ chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy sản nhỏ lẻ. Hiện nay, các hội viên đã mở rộng ngành nghề như nuôi trồng thủy sản, kinh doanh hải sản, kinh doanh nhà hàng ăn uống, dịch vụ du lịch với quy mô ngày càng lớn hơn.
Ông Ngô Kiệt, Tổ trưởng Tổ vay vốn số 1 chia sẻ, với cơ chế thông thoáng, thủ tục được cải thiện đơn giản, mức cho vay nâng cao, lãi suất ưu đãi giúp cho nông dân mạnh dạn tiếp cận với nguồn vốn vay. Nhiều hộ vay vốn đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình và làm giàu. Đến nay, dư nợ của Tổ là hơn 14,6 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0%, tỷ lệ thu lãi đạt 98%.
Đến thời điểm này, dư nợ cho vay vốn trong lĩnh vực tam nông trên địa bàn của Agribank Khánh Hòa là trên 6.053 tỷ đồng, chiếm 62,7% tổng dư nợ, với 16.059 khách hàng. Trong 3 năm qua (2021 - 2023), chi nhánh đã giải quyết cho hơn 21.544 lượt tổ viên các tổ vay vốn thông qua Hội Nông dân với doanh số 1.133 tỷ đồng. Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Agribank Khánh Hòa, chi nhánh và Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp cho vay qua tổ, mở rộng đầu tư cho vay, tập trung vốn vào các hộ có phương án kinh doanh hiệu quả và có điều kiện mở rộng sản xuất.
Ông Đỗ Trọng Thảo cho hay, những tháng đầu năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh Khánh Hoà tích cực triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng, đẩy mạnh hoạt động đầu tư tín dụng và các giải pháp đang phát huy hiệu quả. Trong đó, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN là 427 lượt khách hàng (379 cá nhân, 48 doanh nghiệp); Tổng dư nợ (gốc, lãi) của khách hàng có số dư nợ được cơ cấu là 2.682,3 tỷ đồng. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh được các NHTM trên địa bàn tích cực triển khai.
Đồng thời, những tháng đầu năm 2024, các TCTD đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay (về mức tối đa 9%) cho 1.666 lượt khách hàng với dư nợ 8.418,62 tỷ đồng. Dư nợ có lãi suất từ 11%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 77,66%, từ 9%/năm trở xuống chiếm tỷ trọng 51,31%, từ 4% trở xuống chiếm 12,8%. Đến cuối tháng 5/2024, dư nợ cho vay khoảng 129.980 tỷ đồng, tăng 478 tỷ đồng với 0,37% so với đầu tháng; tăng 11.681 tỷ đồng với 9,87% so với cùng kỳ Doanh số cho vay 5 tháng đầu năm 2024 ước 73.265 tỷ đồng, tăng 7,58% so với cùng kỳ.
Ông Thảo đánh giá, các TCTD trên địa bàn đã tập trung cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn vay sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đảm bảo thanh khoản, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, thanh toán cho các thành phần kinh tế. Qua đó, thực hiện tốt các chương trình tín dụng; tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, NHNN.