Nợ nước ngoài của quốc gia lại sắp đụng trần
Rất nhiều điểm đáng lưu ý trong báo cáo của Chính phủ gửi Đại biểu Quốc hội về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công năm 2017 và kế hoạch 2018. Báo cáo cho thấy tính theo tỷ lệ trên GDP, nợ công giảm nhưng nợ nước ngoài của quốc gia tăng đột biến, mà trong đó là do khoản vay để mua cổ phiếu Sabeco của Công ty Vietnam Beverage. Nợ tăng nhanh, nghĩa vụ trả nợ cũng đã vượt giới hạn cho phép.
1/4 số nợ nước ngoài của Việt Nam là khoản Vietnam Beverage vay mua Sabeco |
Nợ công là bao nhiêu?
Ngày 15/5/2018, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức BB- lên mức BB với triển vọng ổn định nhờ kết quả tích cực về kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ công và cải thiện DN nhà nước.
Báo cáo của Chính phủ cũng phần nào cho thấy điều này. Cụ thể, tổng nợ công năm 2017 là hơn 3 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 61,4% GDP. Trong đó, nợ Chính phủ gần 2,6 triệu tỷ đồng (bằng khoảng 51,8% GDP); nợ Chính phủ bảo lãnh là hơn 450.000 tỷ đồng (bằng khoảng 9% GDP); nợ của chính quyền địa phương là hơn 66.000 tỷ đồng (0,6% GDP).
Như vậy mọi chỉ tiêu về nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn, tỷ lệ nợ công trên GDP còn giảm so với thời gian trước. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là nợ nước ngoài của quốc gia tăng đột biến, tính đến cuối năm 2017 đã tăng lên tới 2,5 triệu tỷ đồng, bằng khoảng 49% GDP. Mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép là dưới 50% GDP, nhưng có xu hướng tăng so với 2016 và tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài của quốc gia đã được Quốc hội phê duyệt.
Nguyên nhân chủ yếu là do vay nợ nước ngoài của các DN theo hình thức tự vay, tự trả tăng nhanh. Theo đó, tốc độ tăng dư nợ của các khoản vay trung và dài hạn là 22,56%, trong khi các khoản vay ngắn hạn tăng tới 73% so với năm trước lên 21,9 tỷ USD. Trong khi theo Quyết định số 544/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn 2016-2018, hạn mức tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm tối đa chỉ là 10%. Đó quả là một con số “giật mình”, trong đó có sự đóng góp khá lớn của khoản vay 4,8 tỷ USD mà công ty Vietnam Beverage vay nước ngoài để mua cổ phần của Sabeco.
Nợ nước ngoài tăng đột biến đã kéo chỉ tiêu dự trữ ngoại hối nhà nước so với dư nợ nước ngoài ngắn hạn năm 2017 xuống mức 235%, giảm mạnh so với năm 2016. “Việc tăng đột biến dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài (nợ tự vay tự trả của DN và tổ chức tín dụng) khiến dư nợ nước ngoài quốc gia so với GDP năm 2017 tăng lên 49% GDP, tiệm cận ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia (50% GDP) ảnh hưởng đến chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài quốc gia và làm giảm dư địa vay nước ngoài quốc gia trong các năm tiếp theo”, Báo cáo nêu rõ.
Nghĩa vụ trả nợ tăng mạnh
Nợ tăng nhanh, nghĩa vụ trả nợ cũng đã vượt giới hạn cho phép. Báo cáo cho biết, chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ở mức 36%, tăng 6,3% so với năm 2016. Nghĩa vụ trả nợ đã vượt giới hạn cho phép (dưới 25%).
Năm 2017, tổng trả nợ Chính phủ là 253.161,65 tỷ đồng, bằng 97% so với kế hoạch. Trong đó trả nợ nước ngoài (gồm cả cho vay lại) là 40.791,34 tỷ đồng, trong đó trả gốc 28.948,75 tỷ đồng và trả lãi 11.842,59 tỷ đồng.
Về kế hoạch vay trả nợ của Chính phủ năm 2018, báo cáo cho biết, tổng dự kiến vay nợ năm 2018 là 341.770 tỷ đồng. Trong đó vay 146.770 tỷ đồng để trả nợ. Căn cứ vào danh mục nợ của Chính phủ hiện hành thì nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2018 khoảng 275.330 tỷ đồng. Trong đó: 216.654 tỷ đồng trả nợ trong nước; trả nợ nước ngoài trực tiếp của ngân sách trung ương là 40.206 tỷ đồng; trả nợ của các dự án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ ở mức khoảng 18.560 tỷ đồng (trong đó trả gốc 12.939 tỷ đồng và trả lãi 5.621 tỷ đồng).
Về nguồn trả nợ, Chính phủ dự kiến sẽ bố trí trong cân đối ngân sách trung ương để trả lãi 110.000 tỷ đồng; vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng; Quỹ tích lũy trả nợ và các đơn vị nhận vay lại trực tiếp thực hiện trả nợ đối với các khoản vay về cho vay lại khoảng 18.560 tỷ đồng.
Để đảm bảo an toàn nợ nước ngoài quốc gia, Chính phủ đề xuất hạn mức vay thương mại nước ngoài của các DN, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2018 tối đa 5 tỷ USD. Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nợ nước ngoài của DN (cả vay trung, dài hạn và ngắn hạn) theo hình thức tự vay tự trả.
Với kế hoạch vay và trả nợ công năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến đến cuối năm 2018 nợ công là 61,4% GDP, giữ như mức cuối năm 2017.
Ðể giữ được nợ công ở mức an toàn Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ việc huy động vốn cho NSNN và cho đầu tư phát triển, vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ trong phạm vi chỉ tiêu an toàn nợ được Quốc hội cho phép.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2018, khái niệm mới “ngưỡng cảnh báo về nợ công” chính thức có hiệu lực và đây là điểm rất mới của Luật Quản lý nợ công, Luật được kỳ vọng sẽ làm hạ nhiệt nợ công khi gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công. “Có ngưỡng là để đưa ra các biện pháp để kiểm soát. Khi nợ đến ngưỡng, chúng ta phải kiểm soát các nhu cầu về vay nợ, đồng nghĩa với việc phải kiểm soát bội chi cũng như hạn mức cho vay lại và hạn mức về bảo lãnh Chính phủ. Điều này nhằm đảm bảo giảm tốc độ gia tăng nợ công, kiểm soát để nợ công không tiến sát đến trần đã được Quốc hội quyết định”, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính cho biết.