Nở rộ khoản vay nhỏ lẻ trên ngân hàng số
“Rã băng” tín dụng từ thúc đẩy vay tiêu dùng Cho vay tiêu dùng có cơ hội mở rộng |
Đa dạng sản phẩm vay nhỏ lẻ
Vietcombank là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng tài khoản VNeID cấp độ 2 để mở tài khoản, xác thực sinh trắc học khuôn mặt cho khách hàng, qua đó ngân hàng có thể cấp tín dụng tiêu dùng tín chấp theo hình thức thấu chi lương tại ngân hàng này. Hay như ở Cake by VPBank, khoảng 10 triệu khách hàng có ứng dụng BE đã có thể lựa chọn thanh toán trả sau thông qua tính năng bePayLater. Phương thức thanh toán mới này được cung cấp bởi ngân hàng số Cake by VPBank, cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ trước, trả sau trên BE. Tính năng bePayLater giúp khách hàng có sẵn một hạn mức trả sau cố định được miễn lãi hoàn toàn lên tới 45 ngày khi đặt xe, mua hàng, đặt đồ ăn hoặc mua vé xe khách, vé máy bay, tàu hỏa… trên siêu ứng dụng BE. Bà Vũ Hoàng Yến, Tổng giám đốc Be Group cho biết, dịch vụ tài chính dùng trước trả sau mang đến trải nghiệm tài chính nhanh gọn và liền mạch.
Trước đó, nhiều NHTM đã dùng kênh internet banking, mobile banking, cấp tín dụng theo hạn mức cho khách hàng như BVBank, VPBank, OCB, Sacombank… TPBank cấp các khoản tín dụng tiêu dùng theo hình thức mua trước trả sau qua trung gian thanh toán MoMo. Cho vay khoản nhỏ không chỉ dành cho khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng, thị trường này còn dành cho hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu vốn ngắn hạn để nhập và luân chuyển hàng hóa; Đặc biệt là các shop online kinh doanh đang cần vay vốn không cần tài sản thế chấp. Phía ngân hàng chỉ yêu cầu khách vay cho tham gia quản lý dòng tiền của đơn vị kinh doanh sẽ lập tức cấp tín dụng trực tuyến với lãi suất hợp lý.
Chẳng hạn, MB sẵn sàng cung cấp cho khách hàng là hộ kinh doanh cá thể một thiết bị quản lý bán hàng. Sau 3 tháng theo dõi số liệu ngân hàng có thể định hình được khách hàng mới và xác định hạn mức tín dụng phù hợp theo nhu cầu kinh doanh. Đại diện MB Bình Tân (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, ngân hàng chủ yếu đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp trên hai khía cạnh là tốc độ tăng trưởng ở thời điểm hiện tại và kế hoạch kinh doanh tương lai là đã có thể cấp hạn mức cho vay hoặc cung cấp dịch vụ bảo lãnh, thanh toán quốc tế...
Quy định mới đã mở ra nhiều cơ hội cho cả bên cho vay và khách hàng, tuy nhiên, các TCTD mong muốn Bộ Công an sớm ban hành văn bản hướng dẫn dùng thẻ căn cước công dân và tài khoản VNeID cấp độ 2 làm căn cứ pháp lý trong việc cấp tín dụng tín chấp, nhất là những khoản vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống và phát triển kinh doanh.
Các ngân hàng áp dụng công nghệ cho vay tiêu dùng chi phí thấp |
Khoản vay nhỏ lẻ giúp hạn chế tín dụng đen
Nhận thấy nhu cầu vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của người dân khá lớn và triển khai thực hiện Luật Các TCTD 2024, NHNN đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo bà Nguyễn Linh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), Thông tư 12 sửa đổi bổ sung một nội dung quan trọng của Thông tư 39/2016/TT-NHNN là quy định đối với khoản vay có giá trị nhỏ dưới 100 triệu đồng không bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. Các TCTD chỉ cần có thông tin tối thiểu về sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính của khách hàng trước khi quyết định cho vay vốn. Đối với những khoản vay nhỏ lẻ này, TCTD được chủ động thực hiện các biện pháp kiểm tra, rà soát về việc sử dụng vốn vay khách hàng. Theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, quy định mới này nhằm thúc đẩy nhanh hơn quyền quyết định cho vay vốn của TCTD. Từ đó hỗ trợ khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ, nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng hơn để hạn chế tín dụng đen trên thị trường.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu hơn 10 năm trở về trước ngành Ngân hàng phân định ra hai nhóm lĩnh vực trong hoạt động cho vay, thứ nhất là khuyến khích cho vay sản xuất kinh doanh; thứ hai là nhóm không khuyến khích cho vay được định nghĩa là phi sản xuất (bao gồm: cho vay bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng). Tuy nhiên, trong những năm gần đây chính sách đã thay đổi, đặc biệt sau khi Chính phủ xác định ba lực đẩy của nền kinh tế hiện nay là xuất khẩu - đầu tư - tiêu dùng, thì hoạt động cho vay tiêu dùng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, chúng ta có hệ thống ngân hàng chính sách xã hội, tài chính vi mô… nhưng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân rất lớn nên hệ thống này chưa đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Người dân ở các vùng sâu, vùng xa họ rất cần những khoản vay nhỏ lẻ. Do đó, thời gian qua chính sách đang mở ra cho các NHTM cho vay tiêu dùng để hỗ trợ người dân tiếp cận vốn phục vụ những nhu cầu đời sống rất đa dạng như vay vốn cho con đi học, mua sắm đồ dùng… “Muốn sản xuất phát triển phải thúc đẩy tiêu dùng, kinh tế thị trường tiêu dùng quyết định cho sản xuất”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích.
Theo số liệu thống kê của NHNN, tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng tính đến cuối tháng 6/2024, chiếm 21% tổng dư nợ toàn hệ thống, tỷ trọng này đã tăng gấp 4 lần so với 10 năm trước.
Nhu cầu đời sống, xu hướng chi tiêu của người dân thay đổi theo từng thời kỳ, chính vì thế các NHTM cũng phải nhanh chóng bắt nhịp, chuyển hướng trong hoạt động kinh doanh. Các NHTM lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank… trước đây chủ yếu cho vay doanh nghiệp lớn, khoản vay lớn, dự án lớn thì hiện nay cũng đã dành sự quan tâm nhất định đến phân khúc cho vay tiêu dùng, thậm chí những ngân hàng này còn tận dụng lợi thế về mạng lưới, giá vốn thấp để cho vay với lãi suất cạnh tranh nhất trên thị trường nhờ lợi thế nguồn vốn chi phí thấp hơn nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân. Ở những NHTMCP với định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ thì cho vay tiêu dùng càng được chú trọng. Các ngân hàng như Sacombank, VPBank, OCB… có thế mạnh cho vay tiểu thương, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển kinh doanh hàng hóa dịch vụ cũng là để phục vụ tiêu dùng.