Nợ tại các thị trường mới nổi gia tăng
Sau những tháng đầu năm diễn biến trầm lắng, chính phủ tại các quốc gia đang phát triển, đặc biệt, Mexico, Qatar và Argentina đã phát hành một lượng trái phiếu khổng lồ trị giá lên đến 90 nghìn tỷ USD trong những tháng gần đây.
Theo dự báo của các chuyên gia của JP Morgan, lượng trái phiếu phát hành bởi các nền kinh tế đang phát triển, bằng các ngoại tệ mạnh như đồng USD và EUR tính đến hết năm 2016 sẽ có thể đạt con số ước tính khoảng 125 nghìn tỷ USD, trong đó Ả rập Xê út sẽ là quốc gia dẫn đầu trên thị trường phát hành trái phiếu chính phủ.
Thống kê lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi |
Một đặc điểm dễ nhận thấy khác, đó là dòng vốn vào ròng đang có xu hướng quay trở lại các thị trường mới nổi trong năm 2016. CNN Money dẫn báo cáo của công ty nghiên cứu EPFR thuộc Bank of America cho biết, các dòng vốn lại đang chảy mạnh vào các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây để mua cổ phiếu và trái phiếu.
Đặc biệt theo thống kê của Bloomberg, trong 2 tháng gần đây sau khi diễn ra sự kiện Brexit, một lượng vốn lớn lên tới 16 nghìn tỷ USD đã có xu hướng chảy vào thị trường trái phiếu tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Điều này trái với xu hướng mấy năm qua khi giới đầu tư rút vốn mạnh khỏi các thị trường mới nổi - những quốc gia chịu sức ép suy giảm tăng trưởng từ sự suy giảm của giá hàng hóa cơ bản như dầu, quặng sắt và đồng. Giờ đây, nhiều nhà đầu tư đang đặt cược rằng, tình hình của các nền kinh tế mới nổi đã chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Theo nhận định của ông Jamie Anderson, nhà quản lý quỹ thuộc công ty Tierra Funds, các nền kinh tế này hiện nay đã vững vàng hơn so với cách đây 1 năm, các số liệu trên thực tế cho thấy chúng đang trong quá trình thoát đáy.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên? Trước hết, là do môi trường lãi suất thấp được duy trì liên tục từ đầu năm đến nay trong bối cảnh lạm phát toàn cầu vẫn ở mức thấp và một loạt các nền kinh tế lớn như khu vực EU, Nhật Bản, Anh vẫn tiếp tục bơm thêm những chương trình nới lỏng định lượng vào nền kinh tế đã khiến một dòng tiền lớn tiếp tục được đẩy vào thị trường. Từ đó khiến nhu cầu vay nợ tại các nền kinh tế mới nổi có xu hướng gia tăng mạnh trong những tháng qua.
Ngoài ra một yếu tố hỗ trợ cũng đến từ động thái của NHTW Mỹ (Fed). Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này, những thông tin kinh tế vĩ mô trái chiều, cộng với những lo ngại về khả năng biến động của thị trường tài chính sau sự kiện Brexit đã khiến kỳ vọng về khả năng tăng lãi suất của Mỹ trong tương lai gần ngày càng trở nên mờ nhạt. Điều này phần nào cũng đã làm giảm bớt áp lực đối với quá trình mở rộng tài sản mạnh mẽ tại các thị trường đang phát triển.
Bên cạnh đó, việc giá hàng hóa cơ bản hồi phục, đã kéo giá cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán mới nổi tăng theo. Từ đầu năm đến nay, chỉ số MSCI Emerging Market Index tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu.
Điều này cũng khiến các nhà đầu tư lại trở nên bi quan hơn về chứng khoán Mỹ và châu Âu, từ đó khiến lượng vốn ròng chảy khỏi hai thị trường này đã lên tới khoảng 67 tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Về triển vọng trong tương lai, Zsolt Papp, Trưởng bộ phận quản lý nợ các thị trường mới nổi tại công ty quản lý tài sản thuộc JP Morgan cho biết, quy mô thị trường nợ tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi sẽ có thể tiếp tục mở rộng trong những tháng tới, đặc biệt khi tại một số quốc gia như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ lãi suất gần đây và trào lưu này có thể sẽ tiếp tục mở rộng với nhiều nền kinh tế khác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Mỹ Meril Lynch, vẫn có rủi ro về khả năng trái phiếu tại các thị trường mới nổi sẽ bị mất giá, điều này có thể xảy ra khi giá dầu sụt giảm trở lại dẫn đến làn sóng bán tháo gia tăng.