Nợ toàn cầu đạt kỷ lục 250 nghìn tỷ USD, đứng đầu là Mỹ và Trung Quốc
Hình minh họa |
Báo cáo do Viện Tài chính Quốc tế (IIF) công bố hôm thứ Năm, cho thấy nợ toàn cầu đã tăng thêm 7,5 nghìn tỷ USD trong sáu tháng đầu năm 2019 lên mức 250,9 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 6/2019. Cơ quan này cũng dự báo con số sẽ tiếp tục tăng và vượt 255 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2019.
“Đóng góp vào mức tăng trên, Trung Quốc và Mỹ chiếm hơn 60%. Tương tự, nợ thị trường mới nổi cũng đạt kỷ lục mới 71,4 nghìn tỷ USD (220% GDP). Với một vài dấu hiệu chậm lại trong tốc độ tích lũy nợ, chúng tôi ước tính rằng nợ toàn cầu sẽ vượt mức 255 nghìn tỷ USD trong năm nay”, IIF cho biết trong báo cáo.
Nợ toàn cầu (nghìn tỷ USD) |
Nợ gia tăng trên toàn thế giới là mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư và cũng được một số nhà kinh tế ghi nhận là sự thay đổi đột biến. Lãi suất thấp kỷ lục giúp các doanh nghiệp có thể vay thêm tiền cực kỳ dễ dàng.
“Tuy nhiên, với chủ trương giảm dần nới lỏng tiền tệ ở nhiều nơi trên thế giới, các quốc gia có mức nợ chính phủ cao (Ý, Lebanon) - cũng như những quốc gia có nợ chính phủ đang tăng nhanh (Argentina, Brazil, Nam Phi và Hy Lạp ) - có thể thấy khó khăn hơn khi chuyển sang kích thích tài khóa”, báo cáo của IIF nêu rõ.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng trước đã nâng mức cảnh báo về nợ cao của các công ty có rủi ro, vốn đã bị làm trầm trọng thêm bởi chính sách lãi suất thấp liên tục từ các ngân hàng trung ương. IMF cảnh báo rằng gần 40%, tương đương khoảng 19 nghìn tỷ USD, nợ doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha có nguy cơ “vỡ bong bóng” trong trường hợp kinh tế toàn cầu suy thoái.
Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương dường như không tỏ ra lo lắng với việc nợ đang gia tăng này. Hôm thứ Năm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho biết ông không thấy dấu hiệu của bất kỳ bong bóng rủi ro hoặc nguy hiểm nào do việc thâm hụt hàng nghìn tỷ USD.
“Nếu bạn nhìn vào nền kinh tế ngày hôm nay, thì không có gì thực sự là bong bóng để vỡ”, ông Pow Powell nói trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện. “Nói cách khác, nền kinh tế là một bức tranh khá bền vững”.
Tuy nhiên, báo cáo từ IIF vẽ ra một bức tranh khác. Nó nói rằng nợ chính phủ toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới 70 nghìn tỷ USD trong năm 2019, tăng từ 65,7 nghìn tỷ USD trong năm 2018, được thúc đẩy hơn bởi sự gia tăng nợ liên bang của Mỹ.
“Trong thập kỷ qua, nợ toàn cầu gia tăng lớn - vượt 70 nghìn tỷ USD - chủ yếu được thúc đẩy bởi các chính phủ và khu vực doanh nghiệp phi tài chính (mỗi khu vực tăng khoảng 27 nghìn tỷ USD). Đối với các thị trường phát triển, sự gia tăng chủ yếu là do nợ chính phủ nói chung (tăng 17 nghìn tỷ USD lên hơn 52 nghìn tỷ USD). Tuy nhiên, đối với các thị trường mới nổi, phần lớn sự gia tăng là do nợ doanh nghiệp phi tài chính (tăng 20 nghìn tỷ USD lên hơn 30 nghìn tỷ đồng)”.
Nợ thị trường mới nổi (nghìn tỷ USD) |
IIF chỉ rõ sự phát triển của thị trường trái phiếu toàn cầu là chứng cứ cho thấy nợ gia tăng. Các thị trường trái phiếu toàn cầu đã tăng từ 87 nghìn tỷ USD trong năm 2009 lên hơn 115 nghìn tỷ USD vào giữa năm 2019. Sự tăng trưởng này hầu hết được nhìn thấy trong thị trường trái phiếu chính phủ - hiện chiếm 47% thị trường trái phiếu toàn cầu so với 40% trong năm 2009.
“Thị trường trái phiếu tăng trưởng nhanh nhất ở các thị trường mới nổi, tăng hơn 17 nghìn tỷ USD lên gần 28 nghìn tỷ USD kể từ năm 2009”, báo cáo đã nêu.
Thị trường trái phiếu chính phủ toàn cầu, đặc biệt là các tài sản được cho là an toàn như trái phiếu chính phủ Mỹ, gần đây thu hút rất đông nhà đầu tư, khi họ vội vã tìm tài sản an toàn hơn trong bối cảnh bất ổn do Brexit, sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu và cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.