Nỗi đau của rừng
Ảnh minh họa |
Tại Bình Định, vụ gần 61ha rừng tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão) bị lâm tặc chặt phá trắng chưa lắng xuống thì mới đây, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân (Bình Định) xác nhận: 20ha rừng đã bị phá để trồng keo lai. Trong khi đó, nhiều ha rừng tại các tỉnh Tây Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình… cũng bị chặt phá, khiến rừng vốn đã chảy máu lại càng bi thảm.
Thông tin từ Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) gần đây cho biết, thời gian qua trong lâm phận vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và các xã vùng đệm đã xảy ra một số vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng như khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép gỗ; săn bắt động vật hoang dã trái phép, nhất là linh trưởng và các loại động vật nằm trong sách đỏ, nguy cấp...
Đặc biệt, từ đầu tháng 9/2017 đến nay trên địa bàn nổi lên việc người dân vào rừng chặt hạ cây khai thác hạt Dổi. Lực lượng kiểm lâm địa phương đã phát hiện 13 cây bị chặt hạ, bắt 4 vụ với 15 đối tượng, trong đó có 8 đối tượng bị bắt giữ khi đang khai thác.
Trong cuộc họp báo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An vừa qua, không khí hội nghị trở nên nóng bỏng khi giới truyền thông đề cập đến nạn chặt phá rừng tại địa phương này.
Thời gian qua, nhiều vụ phá rừng diễn ra tại Nghệ An khiến dư luận vô cùng bức xúc và hoang mang, trong đó tại huyện Tương Dương có lúc hơn 300m3 gỗ bị chặt trái phép, huyện Quỳ Hợp để hàng chục ha rừng thuộc Nghị định 163 của Chính phủ bị một số người dân đốn hạ, phát trắng và trồng mới cây keo lai thay cho rừng tự nhiên…
Trước những sai phạm về chặt phá rừng, cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc và đưa các cá nhân, tổ chức, đơn vị vi phạm ra trước vành móng ngựa để chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Trên thực tế, nhiều vụ chặt phá rừng do lâm tặc gây ra, do sự thiếu ý thức của người dân. Nhưng bên cạnh đó, không ít vụ phá rừng được nhận định do có sự “bảo kê” của lực lượng kiểm lâm, biên phòng mà giới báo chí đã nhiều lần đề cập, phản ánh. Đứng trước thực trạng này, việc bảo vệ rừng – tài nguyên quốc gia càng khó khăn hơn bao giờ hết.
Do đó, một đòi hỏi cấp thiết không thể trì hoãn, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cơ quan hữu quan, truyền thông - báo chí, và đặc biệt là người dân tại bản địa trong nhận thức về bảo vệ rừng… thì việc rừng “chảy máu” sẽ được hạn chế dần và trong tương lai mới có khả năng kiểm soát đến mức thấp nhất.