Nỗi lo giá cước vận tải biển leo thang
Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực số hóa để phát huy tối đa tiềm năng hàng hải 4 tuyến cao tốc sẽ tăng phí từ ngày 1/2 |
Cước ‘đội’ giá chóng mặt
Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex cho biết, ngay đầu năm 2024, nền kinh tế đã đón nhận tin không vui khi xảy ra các vụ tấn công tàu chở hàng đi qua khu vực Biển Đỏ. Tuyến vận chuyển này đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế thế giới, kết nối châu Á với châu Âu và Mỹ.
Hiện có khoảng 30% các tàu container trên thế giới đi qua khu vực này và bất kỳ mối đe dọa đáng kể nào tới sự an toàn này đều có thể gây ra những hậu quả dây chuyền. Đến nay, 7 trong số 10 công ty vận chuyển lớn nhất thế giới, trong đó có BP và Hapag-Lloyd của Đức, cũng như hàng loạt hãng vận tải lớn như Yang Ming Line, One, Evergreen Line, HMM, Maersk… đã thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ.
Căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển bằng đường biển đi châu Âu, Mỹ tăng mạnh |
“Việc các tàu hàng phải thay đổi hành trình, tránh vùng Biển Đỏ sẽ làm giá cước vận tải tăng cao và thời gian giao hàng bị kéo dài, gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao thương của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, thị trường quý I/2024 sẽ chưa có tín hiệu khả quan, chỉ từ quý II/2024 mới có thể ấm dần lên”, ông Vương Đức Anh nhận định.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn thông tin từ một số doanh nghiệp cho biết, từ tháng 1/2024, một loạt hãng vận tải đã thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và một số nước.
Cụ thể, bắt đầu từ tháng 1/2024, cước đi Mỹ/Canada và EU tăng rất nhiều so với tháng 12/2023. Cụ thể, các chuyến đi đến vùng Bờ Tây Hoa Kỳ (LA) tăng 800 USD - 1.250 USD, tùy theo tuyến. Nếu như tháng 12/2023, giá cước ở mức 1.850 USD thì đã tăng lên 2.873-2.950 USD cho tháng 1/2024; đến khu vực Bờ Đông (NY) ghi nhận tăng nhiều hơn từ 1.400 USD đến 1.750 USD tùy theo tuyến. Cụ thể tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD tăng lên 4.100-4.500 USD cho tháng 1/2024.
Riêng cước tàu sang EU ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023. Cụ thể, cước đi Hamburg (Đức) có giá 1.200-1.300 USD trong tháng 12, đã tăng lên 4.350 USD-4.450 USD trong tháng 1/2024, hơn gấp đôi.
Nguyên nhân là do các công ty tàu biển chuyên tuyến phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình kéo dài thêm 7-10 ngày, phát sinh chi phí nhiều hơn. Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ chuyến hàng hàng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.
Chủ động ứng phó, tránh rủi ro
VASEP nhìn nhận, đây là một thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thực tế, Bản tin về thị trường hàng hải và logistics của Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba) cũng chỉ ra, ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng Biển Đỏ nổ ra, các hãng tàu đã lên kế hoạch tăng giá cước vận tải hoặc thậm chí tăng gấp đôi trong một số trường hợp vào tháng 2 tới với những phụ phí mùa cao điểm bổ sung (PSS). Các phụ phí này dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi số lượng tàu bị trì hoãn hoặc chuyển hướng còn gia tăng.
Trong bối cảnh đó, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng phương thức vận chuyển trong ngắn hạn. Hiệp hội cũng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc phối hợp điều phối chuỗi cung ứng.
Ông Trung cảnh báo, giai đoạn này, các doanh nghiệp cần lưu ý khi ký kết đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên bổ sung điều khoản bồi thường trong tình huống khẩn cấp, cũng như cần mua bảo hiểm đầy đủ.
Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội trong lĩnh vực logistics tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác.