Nới “room” tín dụng
Nới “room” song...
NHNN cho biết, đã có khoảng 10 NHTM được tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm nay. Như vậy, nguồn vốn bơm cho nền kinh tế sẽ dồi dào hơn trước. Tuy nhiên, không vì thế tín dụng sẽ tăng mạnh và tăng ồ ạt. Thứ nhất đa phần những ngân hàng được nới “room” đều là những ngân hàng nhỏ, nên xét tỷ lệ thì có thể cao, song số tuyệt đối tăng thêm cũng không lớn. Thứ nữa, theo nhiều lãnh đạo NHTM được cấp thêm tín dụng, phải chọn lựa khách hàng để giải ngân, vì mục tiêu là tăng tín dụng nhưng không tăng nợ xấu. Sau 8 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 1,4% trong khi đó tiền gửi tăng 10,26%. Theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề không phải là thiếu tiền mà là “nghẽn” dòng tín dụng. Những tháng đầu có nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm nhưng cũng có những ngân hàng đã đạt được mức tăng tín dụng cao. Việc phân bổ lại chỉ tiêu tăng tín dụng và cho phép một số ngân hàng tăng thêm là cách phân bổ tín dụng tùy theo tình trạng và cơ cấu vốn của từng ngân hàng.
Ảnh: MH
Với sự công bố của một số NHTM được tăng thêm chỉ tiêu tín dụng với ngân hàng được tăng cao nhất lên đến 30%, gấp đôi so với chỉ tiêu được cấp ban đầu là: HDBank, VPBank. Tiếp đó là chỉ tiêu ở mức 27% là TienPhong Bank và OceanBank. MB là một ngân hàng thuộc nhóm G12 cũng xin thêm chỉ tiêu tăng tín dụng từ 17% lên 25% năm nay. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng, các NHTM xin nới “room” tăng trưởng tín dụng là muốn tạo thông điệp cho khách hàng việc họ có thể tăng trưởng tín dụng được.
Theo ông Đặng Quốc Tiến – Phó Tổng giám đốc MB, để thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới là 25%, hiện MB đang có những gói tín dụng để thu hút doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, nếu khách hàng doanh nghiệp nào đủ tiêu chí, đáp ứng được điều kiện của gói tín dụng ưu đãi thì lãi suất mà doanh nghiệp được hưởng khá thấp, chỉ 10-10,5%/năm. Như vậy, MB sẽ cho vay lãi suất ưu đãi tùy theo khách hàng và ngành hàng, đặc biệt ưu tiên 4 nhóm khách hàng thuộc: xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, nhóm ngành xuất khẩu sẽ ưu tiên những ngành hàng xuất khẩu chiến lược. Bên cạnh đó, MB cũng phải thực hiện việc cơ cấu lại khách hàng, với khách hàng có tiềm năng tốt thì sẽ được MB giảm lãi suất khoản vay về 12-13%/năm để giảm khó khăn về chi phí vốn cho doanh nghiệp.
Vất vả tìm khách hàng tốt
Tại sao nhiều ngân hàng lại muốn tăng thêm tín dụng và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào cuối năm nay? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu các NHTM đạt được chỉ tiêu tăng tín dụng như mong muốn của năm nay, thì đây sẽ là cơ sở để các ngân hàng có được mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm kế tiếp (2013). Thứ hai, theo Phó tổng giám đốc MB Đặng Quốc Tiến, mặc dù thị trường có khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội cho những ai nhạy cảm nắm bắt thị trường, và vẫn còn những “ngách” để khơi thông tín dụng. Thứ nữa, với việc phát triển được các khách hàng mới cũng đồng nghĩa ngân hàng mở rộng được thị phần và phát triển thương hiệu của mình.
Tuy nhiên việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong điều kiện khó khăn hiện nay là không hề dễ dàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, hiện nay lãi suất vẫn còn cao mặc dù mức lãi suất cho vay đã giảm về 11-12%/năm, và khả năng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong môi trường hiện nay không cho phép doanh nghiệp vay vốn nhiều. Câu hỏi đặt ra, nếu ngân hàng đã xin tăng tín dụng rồi thì có bằng mọi cách để thực hiện đủ chỉ tiêu hay không? Và để có nguồn nhằm đẩy vốn ra thì phải tăng huy động đầu vào. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hiện nay nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tín dụng. Mặc dù tín dụng những tháng cuối năm sẽ tăng mạnh hơn đầu năm nhưng nền kinh tế phải cần một thời gian hấp thụ và phát huy nguồn vốn, kỳ vọng quý IV/2012 nền kinh tế có tín hiệu khởi sắc sẽ rõ rệt hơn.
Kinh tế năm 2012 được dự báo tăng trưởng khoảng 5,3%, thấp hơn mức 5,9% của năm 2011. Tuy nhiên, Việt Nam đã thành công trong việc kiềm chế lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 2,86% so với cuối năm 2011. TS. Trần Du Lịch cho rằng, CPI cả năm nay nên ở mức 7-7,5%/năm, nên việc CPI những tháng cuối năm tăng khoảng 1% thì không có gì quá lo ngại. Việc nới “room” cho một số TCTD không hẳn là nới lỏng tín dụng, mà là tín hiệu cho thấy sự linh hoạt trong việc thực hiện sự phân bổ tín dụng có kiểm soát.
Quang Anh