Nới room tín dụng: Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi phục
Nới “room” tín dụng Kỳ vọng tín dụng khởi sắc năm 2024 |
Ông Đào Duy Khánh, Phó Giám đốc CTCP May Tiền Tiến, Tổng CTCP May Việt Tiến cho biết, để đáp ứng sản xuất các đơn hàng cuối năm, công ty cần lượng nguồn vốn lớn để nhập nguyên liệu sản xuất và chuẩn bị cho quỹ lương, thưởng Tết khi lượng công nhân khoảng 2.400 lao động. Năm 2023, mặc dù tình hình đơn hàng tương đối khó khăn, có những thời điểm non tải, nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất, đảm bảo thu nhập cho công nhân. Nhiều dự báo cho thấy, năm 2024, các đơn hàng trở lại, công ty sẽ tăng số chuyền, đẩy mạnh sản xuất. Vì vậy việc NHNN nới room tín dụng có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện vay thêm vốn ngân hàng để đáp ứng nhu cầu sản xuất cũng như trang trải các hoạt động.
Việc NHNN nới room tín dụng cùng với sự chia sẻ khó khăn của các ngân hàng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong thời gian tới. Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, năm 2023 là năm rất khó khăn, đặc biệt là tổng cầu kinh tế thấp do các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, VPBank vẫn là một trong những ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao nhất 11 tháng đầu năm. Để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, VPBank cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay, giảm phí, giảm thu nhập để hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm đến hết tháng 11/2023, tổng mức giảm phí, lãi suất khiến lợi nhuận ngân hàng giảm gần 2.000 tỷ đồng.
Đơn hàng trở lại cùng với nới room tin dụng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục |
Bà Phạm Phương Lan, Giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ, BIDV chia sẻ, từ đầu năm đến nay, NHNN đã tích cực nới lỏng chính sách tiền tệ với 4 lần giảm các mức lãi suất điều hành, tổng cộng 0,5- 2,0%. Điều đó đã tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên tín dụng giải ngân ra nền kinh tế vẫn chậm, do khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, của nền kinh tế đang rất yếu. Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện để cung và cầu tín dụng gặp nhau, trong đó cần có sự tham gia, đóng góp của cả người dân, doanh nghiệp, ngân hàng cũng như định hướng, chính sách từ phía Chính phủ, NHNN và các cơ quan bộ ngành khác. Việc nới room tín dụng trong giai đoạn này cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cấp tín dụng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo NHNN, tính đến ngày 13/12 tăng trưởng tín dụng 9,87%, mặc dù cao hơn tháng trước nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu đặt ra cả năm là 14,5%. Vì vậy, dư địa cho thời gian ngắn còn lại của năm cho toàn hệ thống để mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2023, tín dụng có sự phân hóa mạnh mẽ. Trong khi nhiều ngân hàng chưa sử dụng hết room tín dụng được cấp, thì nhiều ngân hàng lại có mức tăng trưởng tín dụng rất tốt. Chính vì vậy, việc NHNN theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời điều hòa tăng trưởng tín dụng và động thái nới room vừa qua được giới chuyên gia kinh tế đánh giá cao vì sẽ đảm bảo cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn hiện nay, khi các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất cuối năm và các kế hoạch trả lương, thưởng Tết thì nhu cầu về nguồn vốn là rất cần thiết, nhất là các doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động. Việc ngân hàng nới room tín dụng thời điểm này là chính sách hợp lý, không chỉ giúp các ngân hàng đã giải ngân hết hạn mức mà còn giúp các doanh nghiệp có nhiều điều kiện tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Thực tế là mặc dù hiện tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống chưa cao, tuy nhiên cũng có không ít ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất tích cực. Những ngân hàng này phần lớn có lượng khách hàng uy tín, ổn định và đang có đà tăng trưởng tốt. Vì vậy, việc nới room đối với các ngân hàng có chỉ số hoạt động tốt, lành mạnh và hệ số an toàn giúp cho ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. TS. Châu Đình Linh nhận định, thời gian tới dự báo tình hình kinh tế sẽ hồi phục, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu cũng như hoạt động xuất nhập khẩu phát triển, kéo theo tăng trưởng tín dụng cũng sẽ cao hơn. Do đó, việc NHNN ưu tiên tăng room tín dụng cho các ngân hàng đang có chính sách lãi suất tốt, có chỉ số an toàn cao, lành mạnh và có nhiều khách hàng uy tín sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay trong những tháng đầu năm 2024.