Nới room tín dụng: Trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất
Giải tỏa “cơn khát” vốn cho doanh nghiệp
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã nâng chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5%-2% cho toàn hệ thống, tương đương tăng thêm 240.000 tỷ đồng cho nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm.
Theo tính toán của Chứng khoán SSI, tổng hạn mức tín dụng cho phần còn lại của tháng 12 là khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.
Việc Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room được coi là một động thái điều hành chính sách tiền tệ khá phù hợp trong bối cảnh hiện nay, góp phần giải tỏa được phần nào "cơn khát" vốn của cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng nguồn hàng cho dịp cuối năm.
Công ty cổ phần Ameii Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu cấp đông sang thị trường Mỹ. Theo đại diện của doanh nghiệp khi vào dịp cuối năm lượng đơn hàng tăng lên thì nhu cầu vốn của họ cũng tăng tới 30%. Chính vì vậy, trước thông tin nói room tín dụng của ngành ngân hàng trở thành một trong những động lực để giúp họ hoàn thành tốt các mục tiêu từ nay đến cuối năm.
Bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ: “Quyết định của Ngân hàng Nhà nước thời điểm này rất kịp thời để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đặc biệt là giai đoạn cuối năm nước rút để chuẩn bị cho những đơn hàng vào dịp Tết. Chúng tôi hy vọng với nguồn tín dụng được tăng thêm sẽ giảm tải được áp lực khó khăn về tài chính cho nhu cầu vốn đang tăng cao ở thời điểm này”.
Cũng theo đại diện Ameii, công ty thường xuyên duy trì tỷ lệ vốn lưu động từ 20-30% tổng vốn của doanh nghiệp và nguồn này vay từ ngân hàng. Dự kiến thời gian tới Ameii sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản để phục vụ dịp lễ cuối năm sang thị trường như Mỹ, Trung Quốc.
Ông Trần Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và thiết bị Bilico cũng cho biết: "Chính sách nới room tín dụng để các ngân hàng giải ngân cho chúng tôi sẽ giải quyết được khoảng 15%-20% dòng tiền cần trong thời gian cuối năm".
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ nguồn vốn tín dụng còn giúp họ chi trả nhiều nhu cầu khác như lương thưởng cuối năm, hay ứng trước tiền nguyên liệu để kịp cho những đơn hàng xuất khẩu đầu năm tới.
Tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp “ngó lơ” nguồn tín dụng tăng thêm lần nay bởi vì đơn hàng sụt giảm.
Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong (Bến Tre) cho biết so với năm ngoái, năm nay đơn hàng sụt giảm hơn. Chính vì vậy, dù hạn mức tín dụng còn, song công ty không có ý định vay thêm.
Tương tự, ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ cũng cho rằng, bên cạnh mở room tín dụng, thì các ngân hàng phải giảm lãi suất, nếu không doanh nghiệp sẽ không dám vay, trừ khi có những kế hoạch kinh doanh thật khả quan. Theo ông Hoàng, giai đoạn phòng thân này còn kéo dài thêm 1-2 quý, đến khi lạm phát của Mỹ dần rõ nét hơn.
Đảm bảo cung ứng vốn dịp cuối năm
Để hỗ trợ nền kinh tế, đến nay đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân với mức giảm từ 0,5-3%/năm.
Mới đây, ABBank đã triển khai chương trình "Hưởng vay ưu đãi - Vững lái kinh doanh" với lãi suất ưu đãi 5,5%/năm dành riêng cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.
Từ nay tới ngày 31/12/2023 với tổng hạn mức 350 tỷ đồng, ABBank áp dụng đối với đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… phát sinh hợp đồng vay vốn ngắn hạn bằng VND với mục đích vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại diện ABBank cho biết tháng 6/2022, ABBank đã rà soát kế hoạch tín dụng và đăng ký hạn mức tham gia hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như: du lịch, dịch vụ lưu trú/ăn uống, vận tải kho bãi, nông - lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo… Đến cuối tháng 11/2022, đã có gần 100 khoản vay được hỗ trợ lãi suất 2%/năm tại ABBank với tổng dư nợ tín dụng được hỗ trợ trên 200 tỷ đồng.
Nhờ đáp ứng các nhu cầu về thanh khoản và giữ được mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, BIDV đã được tăng thêm hạn mức tín dụng. Với lĩnh vực bất động sản, BIDV sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở thực, nhà ở xã hội còn lại vốn đều ưu tiên cho sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho hay: “BIDV sẽ hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là đối tượng khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, những lĩnh vực có nhu cầu thiết yếu như sản xuất kinh doanh, xăng dầu”.
Cũng có ý kiến lo sợ dòng vốn tín dụng sẽ chảy vào các lĩnh vực khác mà không phải lĩnh vực ưu tiên.
Khẳng định điều này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho hay sẽ khó có chuyện các ngân hàng được cấp room tín dụng lại “tuồn vốn” cho vay bất động sản hay chứng khoán bởi tín dụng ngân hàng đang chịu sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, kết quả cho vay lĩnh vực ưu tiên, ổn định lãi suất thời gian này của các ngân hàng thương mại cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng cho năm 2023, nên các ngân hàng cũng phải hết sức thận trọng trong việc chọn danh mục cho vay.
Trên thực tế, cùng với quyết định nới room tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định thông điệp chỉ rót vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Với bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chỉ khuyến khích các ngân hàng rót vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ nhu cầu thực.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, trong trường hợp cần thiết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản với kỳ hạn dài hơn kể cả qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm khi cho vay hướng tới mục tiêu chung là kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.