Nông dân trồng bí đỏ gặp khó
Mang sản phẩm hữu cơ tiêu chuẩn châu Âu đến Việt Nam Chuyển đổi số thúc đẩy tính bền vững ngành nông nghiệp |
Theo ông Nguyễn Châu Trinh, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, vụ bí đỏ này, gia đình trồng 5ha, chủ yếu là giống bí đậu, sản lượng khoảng 50 tấn quả, nhưng đến nay đã gần giữa vụ thu hoạch, nhưng mới chỉ bán được 5 tấn. Số còn lại, nhiều đám đã quá lứa thu hoạch nhưng không ai hỏi mua.
Được biết, để trồng 1ha bí đỏ, bà con nông dân đầu tư khoảng 15 - 20 triệu đồng. Với giá bán như những năm trước, người nông dân có thể thu nhập khoảng 20 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Nhưng năm nay, với giá bán như hiện tại, thì hộ nào trồng càng nhiều càng thua lỗ nặng.
Một nông hộ cho hay, các năm trước, đến dịp thu hoạch, các hộ trồng bí nơi đây hầu như không phải lo đầu ra. Người thu mua, xe ô tô ngược xuôi từ sáng sớm đến tận đêm khuya để mua bí. Mỗi ngày, nông dân trong vùng bán được hàng chục tấn. Nhưng hiện tại, tuy đã vào vụ được gần cả tháng, nhưng thương lái đến mua rất ít.
Nông dân cần tìm kiếm thị trường đầu ra đảm bảo ổn định trước khi quyết định tăng diện tích |
Theo chia sẻ của một thương lái, bí đỏ trồng ở thị xã Ninh Hòa chủ yếu xuất bán vào các tỉnh miền Nam, nhất là nơi có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Song năm nay, các địa phương phía Nam đã tăng diện tích trồng bí đỏ dẫn đến dư thừa nguồn cung.
Theo ông Mai Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, trên địa bàn xã có 250ha bí các loại, tăng 70ha so với năm trước. Người dân chủ yếu trồng bí bánh xe, bí đậu, bí hồ lô… Ngoài con số thống kê, trên thực tế diện tích trồng bí của xã có thể lên tới hơn 400ha. Việc tăng đột biến diện tích trồng bí do nhiều nguyên nhân: năm nay, hầu hết diện tích trồng keo lá tràm trên địa bàn xã đến chu kỳ khai thác, khi cây đang nhỏ, nông dân tận dụng trồng xen bí đỏ. Ngoài ra, các vụ trước, cây bí đỏ đem lại hiệu quả kinh tế khá cao nên năm nay, nông dân chuyển sang trồng nhiều…
Trước tình hình này, hiện chính quyền địa phương đang tích cực vận động sự chung tay từ các cấp hội, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm giúp nông dân vơi bớt phần nào thiệt hại, khó khăn.
Tuy nhiên, về lâu dài, ngoài việc tuân thủ quy hoạch, kế hoạch, nông dân cũng cần tìm kiếm thị trường đầu ra đảm bảo ổn định trước khi quyết định tăng diện tích, sản lượng để hạn chế những thiệt hại.