Nông nghiệp Hà Nội đẩy mạnh tái cơ cấu
Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn đạt 4,2% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ một số ngành kinh tế. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố ước đạt 38.093 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2019.
Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường dưới tác động của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điều này đã giúp cân đối nguồn thực phẩm trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu nông sản gia tăng. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ mới, tập trung thâm canh các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả tích cực.
Ảnh minh họa |
Ước tính đến hết năm 2020, thành phố có thêm 7 huyện và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 13/18 huyện, thị xã (chiếm 72,2%), xã đạt chuẩn nông thôn mới là 370/382 xã (chiếm 96,6%). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 55 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng so với năm 2019.
Trong năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, lấy thị trường làm căn cứ phát triển bền vững, lấy công nghệ cao làm đột phá, xây dựng một nền nông nghiệp giá trị cao, để nông thôn Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại; đời sống người nông dân ngày một sung túc hơn.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: “Mục tiêu chung của ngành nông nghiệp Hà Nội là sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất theo chuỗi giá trị với cơ cấu các lĩnh vực sản phẩm chủ lực có chất lượng, tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường Hà Nội và hướng tới xuất khẩu; đồng thời phát triển nông nghiệp làng nghề kết hợp du lịch trải nghiệm, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu... Năm 2021, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 4,2% trở lên; thu nhập bình quân của nông dân đạt 58 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt trên 95%...”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp Hà Nội xác định tái cơ cấu ngành là nội dung trọng tâm, lấy công nghệ cao làm đột phá và lấy thị trường làm căn cứ để phát triển bền vững, xây dựng nền nông nghiệp giá trị cao. Năm 2021, trên mỗi lĩnh vực, nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung vào những mặt hàng, những loại hình có thế mạnh. Đối với trồng trọt, duy trì 62.806ha trồng lúa, trong đó chủ lực là lúa chất lượng cao. Hà Nội sẽ tập trung phát triển lúa gạo tại các vùng sản xuất tập trung, theo hướng tăng cơ cấu giống lúa Japonica để phục vụ tiêu dùng trong thành phố và xuất khẩu. Cùng với đó duy trì 7.200ha hoa, cây cảnh với các giống chủ lực như hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, các giống hoa mới nhập khẩu... đầu tư hình thành các vùng tập trung (quy mô từ 20 đến 50ha trở lên) ứng dụng công nghệ cao, thông minh... Còn cây ăn quả, thành phố duy trì 22.350ha, tập trung phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản của Hà Nội.
Đặc biệt, theo ông Chu Phú Mỹ, Hà Nội sẽ đầu tư phát triển kinh tế tập thể, kinh tế trang trại. Dự kiến năm 2021, tổng số hợp tác xã sẽ là 1.255, trong đó có 60 hợp tác xã nông nghiệp thành lập mới; phấn đấu tăng giá trị dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp 10-15%/năm; đồng thời phát triển các dạng kinh tế trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết; kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Đối với chăn nuôi, Hà Nội chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, phát triển theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại có quy mô lớn. Thành phố sẽ phát triển con giống năng suất, chất lượng cao hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp con giống cho các địa phương khác.