Ổn định thị trường trong mùa mưa bão
Bảo đảm nguồn cung trước bão
Mới đây, trước thông tin cơn bão số 4 (bão Noru) sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng, nhiều người dân địa phương đã hối hả đi mua sắm các vật dụng để ứng phó. Bởi vậy, sức tiêu thụ các mặt hàng phòng chống bão như: bao cát, dây thừng, đèn pin... cũng như nhu yếu phẩm khác tại các cửa hàng, chợ truyền thống, siêu thị tăng lên đáng kể.
Tại các chợ trên địa bàn thành phố, dù lượng khách tăng hơn mọi ngày nhưng hàng hóa vẫn được bình ổn giá và đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Đặc biệt, không có tình trạng tăng giá “chặt chém”. Đơn cử, giá các mặt hàng thiết yếu bày bán tại chợ như: thịt, cá, rau xanh, trứng... các loại không có nhiều biến động. Cụ thể, thịt heo loại vai và mông có giá từ 95 đến 120 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ có giá 120 đến 140 nghìn đồng/kg, xương các loại khoảng 90 nghìn đồng/kg; thịt bò các loại có giá từ 220 đến 260 nghìn đồng/kg; thịt gà có giá từ 130 đến 150 nghìn đồng/kg; trứng các loại từ khoảng 35 nghìn đồng/chục... Riêng mặt hàng rau xanh có tăng giá nhẹ từ 2 đến 5 nghìn đồng/bó. Cụ thể, rau muống, rau khoai lang khoảng 12 nghìn đồng/bó; rau dền đỏ, mồng tơi, cải ngọt, cải canh từ 10 đến 15 nghìn đồng/bó.
Đà Nẵng đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa trong mùa mưa bão. |
Được biết, trước khi cơn bão số 4 đổ bộ vào đất liền, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng chỉ đạo ban quản lý các chợ tập trung tuyên truyền, vận động tiểu thương tại chợ tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm; đồng thời theo dõi, giám sát hàng hóa tại chợ, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương có hành vi găm hàng chờ tăng giá hoặc lợi dụng thiên tai để nâng giá bất hợp lý. Ban quản lý chợ và các đơn vị trực thuộc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, tiểu thương tại chợ tăng cường dự trữ hàng hóa thiết yếu, không lợi dụng thiên tai, bão lụt để đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý...
Tương tự, tại các chợ truyền thống tại nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố, trước khi cơn bão số 4 cũng có nhiều người đến mua sắm. Ông Nguyễn Tiến Dương - Giám đốc siêu thị MM Mega Market Đà Nẵng cho biết, sức mua tại siêu thị trong ngày 26/9 (thời điểm trước khi bão đổ bộ 1 ngày) tăng gấp 4 lần so với ngày thường, chủ yếu ở khu vực các mặt hàng thiết yếu...
Cũng như tại các chợ truyền thống, cơ quan chức năng thành phố cũng yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, tăng cường dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm theo kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm 2022; bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến hay khan hiếm hàng hóa. Bên cạnh đó, sẵn sàng ứng cứu kịp thời cho người dân tại các khu vực bị chia cắt, vùng bị sơ tán hoặc buộc phải di dời khi có yêu cầu huy động từ thành phố trong các tình huống khẩn cấp. Nhìn chung, trên địa bàn thành phố các siêu thị đã có sự chuẩn bị về hàng hoá và các phương án an toàn cho đội ngũ nhân viên trên tinh thần vừa chống bão vừa phục vụ bà con một cách tốt nhất.
Sau bão, giảm giá hàng thiết yếu
Được biết, nhằm đảm bảo cung ứng liên tục, ổn định hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa mưa bão năm 2022, Sở Công Thương TP. Đà Nẵng đã làm việc với các đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm trên địa bàn về dự trữ hàng hóa, bảo đảm sự ổn định của thị trường.
Trên thực tế, đơn cử ngay sau bão Noru đi qua, các siêu thị Co.opmart khu vực miền Trung thuộc Saigon Co.op gồm: Co.opmart Quy Nhơn (Bình Định), Co.opmart Quảng Ngãi, Co.opmart Tam Kỳ (Quảng Nam), Co.opmart Đà Nẵng, Co.opmart Sơn Trà (Đà Nẵng), Co.opmart Huế, Co.opmart Đông Hà (Quảng Trị) mở cửa hoạt động trở lại ngay sau khi bão tan; đồng thời tổ chức giảm giá sâu cho hàng thiết yếu, đặc biệt là ngành hàng thực phẩm tươi sống và thực phẩm công nghệ từ nay đến 12/10. Cụ thể, các mặt hàng thực phẩm tươi sống có mức giảm từ 15% đến 20% gồm, thủy hải sản các loại, thịt các loại như sườn non heo, ba rọi heo, sườn non muối sả sơ chế, thịt vai heo; rau củ các loại gồm bắp cải trái tim, củ sắn, cải thìa…
Tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng, ông Phan Thống - Giám đốc siêu thị cho biết, sức mua tại siêu thị có tăng, tuy nhiên không đột biến. Hàng hóa tại siêu thị đảm bảo cung ứng liên tục phục vụ người dân trong trường hợp mưa bão. Sau bão thường gián đoạn nguồn cung rau tươi. Tuy nhiên, siêu thị đã làm việc với các nhà cung ứng chủ động tăng nguồn hàng rau, củ quả, cũng như đảm bảo nguồn cung rau xanh phục vụ người tiêu dùng trước, sau bão.
Không riêng hệ thống Co.opmart, để bình ổn thị trường trong mùa mưa lũ nhiều đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố như: MM Mega Market Đà Nẵng, Siêu thị Lotte Mart, Siêu thị Winmart, Siêu thị Go... cũng đã tham gia kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống thiên tai năm 2022. Qua nắm bắt, hàng hóa thường xuyên được đảm bảo, phong phú, dồi dào, luôn duy trì khả năng cung ứng trong vòng từ 1 đến 3 tháng và khả năng huy động nguồn hàng trong vòng 7 đến 10 ngày, với tổng lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm dự trữ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn thành phố đạt khoảng 80 tỷ đồng gồm: 193 ngàn thùng mỳ ăn liền, 20 ngàn thùng lương khô, 2.800 tấn gạo, nếp các loại, 40.000 thùng nước đóng chai, 50 ngàn quả trứng gà/ngày và 800 tấn các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác.
Đặc biệt, trong đó đối với mặt hàng gạo, thành phố có khả năng huy động khoảng 2.500 tấn gạo các loại trong thời điểm xảy ra bão lụt. Ngoài ra còn 165 tấn gạo dự trữ từ các doanh nghiệp đủ cung ứng cho người dân khu vực thiên tai, chia cắt trong thời gian 3 đến 5 ngày. Bên cạnh đó, các mặt hàng xăng dầu, chất đốt, 4 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã chủ động kế hoạch dự trữ nhiên liệu phục vụ phòng chống thiên tai trong năm 2022 với giá trị gần 397,2 tỷ đồng, gồm 7.760 m3 xăng các loại, 15.260 m3 dầu diesel. Các mặt hàng sẽ được dự trữ thường xuyên từ nay đến tháng 12/2022.