PBoC giữ nguyên lãi suất trung hạn, bổ sung thanh khoản
Bloomberg: Nền kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi chậm trong năm 2024 Trung Quốc: Tín dụng cao kỷ lục, song tăng trưởng vẫn yếu |
PBoC giữ nguyên lãi suất trung hạn, bổ sung thanh khoản |
Một loạt các chỉ số kinh tế gần đây tiếp tục phản ánh sự phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc, với xuất khẩu tăng trong tháng 12/2023 nhưng tăng trưởng tín dụng yếu và áp lực giảm phát dai dẳng đòi hỏi phải có nhiều biện pháp kích thích hơn.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát thị trường cho biết biên lãi ròng (NIM) bị thu hẹp tại các ngân hàng thương mại và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc suy yếu vào đầu năm đã hạn chế khả năng ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình.
PBoC cho biết, họ giữ nguyên lãi suất 2,50% đối với các khoản cho vay trung hạn (MLF) hiện có dư nợ 995 tỷ nhân dân tệ (138,84 tỷ USD) đối với một số tổ chức tài chính.
Cơ quan này cho biết, việc giữ nguyên lãi suất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt tại các tổ chức tài chính nhằm “duy trì tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở mức hợp lý”.
Trong một cuộc thăm dò của Reuters thực hiện vào tuần trước, 19/35 người tham gia đã kỳ vọng PBoC sẽ cắt giảm lãi suất MLF để giúp vực dậy nền kinh tế yếu kém. Và đại đa số người được hỏi cũng mong đợi PBoC sẽ bơm vốn mới vào hệ thống tài chính vượt quá số tiền đáo hạn.
Những kỳ vọng đó tăng lên sau khi các ngân hàng thương mại lớn của Trung Quốc hạ lãi suất tiền gửi vào cuối năm ngoái và sau khi dữ liệu kinh tế đáng thất vọng gần đây đã làm dấy lên quan điểm rằng cần có thêm nhiều biện pháp kích thích.
Các chuyên gia kinh tế tại Barclays cho biết trong một báo cáo trước động thái hôm thứ Hai rằng: “Chúng tôi cho rằng vòng xoáy nợ - giảm phát dai dẳng và tâm lý bi quan trên diện rộng càng khiến PBoC phải cấp bách triển khai nới lỏng tiền tệ để chống giảm phát”.
Ngoài ra, kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc PBoC có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng cũng tăng lên sau khi người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBoC, Zou Lan nhấn mạnh điều chỉnh dự trữ bắt buộc là một trong những lựa chọn chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, việc đồng nhân dân tệ giảm 1% so với bạc xanh kể từ đầu năm đến nay đang là lực cản đối với việc cắt giảm lãi suất. Đồng tiền nội tệ của Trung Quốc đã suy yếu xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng so với bạc xanh do sự không chắc chắn về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Với khoản vay MLF trị giá 779 tỷ nhân dân tệ sắp đáo hạn trong tháng này, động thái giữ lãi suất của PBoC đã dẫn đến việc bơm ròng 216 tỷ nhân dân tệ vào hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng trung ương này cũng cho biết, họ bơm 89 tỷ nhân dân tệ thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 1,80%.
Tuần này, dữ liệu về sản lượng công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư và doanh số bán lẻ tháng 12/2023, cùng với tổng sản phẩm quốc nội quý IV/2023 của Trung Quốc sẽ được công bố, qua đó cung cấp cho các nhà đầu tư manh mối về việc liệu nền kinh tế có cần hỗ trợ thêm hay không.