PCI 2022: Điểm danh 30 địa phương có điểm số tốt nhất
Đây là năm thứ 18 liên tiếp VCCI công bố bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, năm 2022, khảo sát PCI đã nhận được phản hồi của gần 12.000 doanh nghiệp. Điều tra PCI năm 2022 cho thấy sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh, thành phố trong năm đầu tiên phục hồi sau đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục có sự trải nghiệm tích cực về thay đổi trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí không chính thức của các chính quyền địa phương Việt Nam.
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, chỉ số PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Ông Phạm Tấn Công nhận định, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự là một trong những ưu tiên chính sách quan trọng và nhất quán của ba nhiệm kỳ Chính phủ gần đây. Định hướng của Chính phủ hiện nay là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ các rào cản về quy định pháp luật để khơi thông các nguồn lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ngày càng quan tâm đến việc rà soát, loại bỏ các chồng chéo của hệ thống pháp luật, tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh, hài hòa hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế.
Top 30 tỉnh thành có thứ hạng tốt nhất PCI 2022. Nguồn: VCCI. |
Một trong những điểm khác biệt đầu tiên so với 17 lần công bố PCI trước đây, những lần trước thứ hạng 63 tỉnh, thành phố là một trong những điểm nhấn thu hút sự chú ý nhiều nhất của PCI.
Lý giải về sự thay đổi này trong năm thứ 18, nhóm nghiên cứu PCI cho là nhằm khuyến khích sự tập trung và nỗ lực thay đổi của các địa phương để vào nhóm dẫn đầu PCI. Tuy nhiên, các địa phương đều có kết quả chi tiết, gồm cả điểm PCI tổng hợp, điểm các chỉ số thành phần và kết quả từng chỉ tiêu đánh giá.
Báo cáo PCI năm nay cho thấy, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng.
Quảng Ninh đứng đầu PCI 2022 với điểm số 72,95 trên thang điểm 100, giữ vững vị trí quán quân năm thứ 6 liên tiếp.
Từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh xuất sắc giành vị trí dẫn đầu về chất lượng điều hành kinh tế, với nhiều sáng kiến thu hút đầu tư, cải cách hành chính. Quảng Ninh là một trong những tỉnh mạnh dạn trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư”.
Vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2022 là tỉnh Bắc Giang với điểm số ấn tượng 72,80. Kết quả này thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Bắc Giang khi tỉnh cải thiện 29 bậc so với PCI 2021. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá rất tích cực chủ trương nhất quán “đồng hành cùng doanh nghiệp” của chính quyền tỉnh.
Vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng PCI 2022 thuộc về Hải Phòng với 70,76 điểm. Doanh nghiệp tại Hải Phòng đánh giá cao những hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế trong năm qua.
Bà Rịa - Vũng Tàu góp mặt ở vị trí thứ tư với 70,26 điểm. Trước đó, vị trí cao nhất của tỉnh là 6/63 trong PCI 2011. Trong nhiều năm qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa mô hình kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao.
Đồng Tháp đứng ở vị trí thứ 5 với 69,98 điểm. Kể từ năm 2007 đến nay, Đồng Tháp có 16 năm liền nằm trong top 5 địa phương về chất lượng điều hành. Đồng Tháp có các mô hình như Ngày thứ Bảy chứng thực 4.0, Không gian hành chính phục vụ, Cà phê doanh nhân...
Bên cạnh bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố như thường lệ, báo cáo PCI 2022 còn đánh giá các chuyển động trên nhiều lĩnh vực của môi trường kinh doanh Việt Nam như mức độ thuận lợi trong thực hiện các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận thông tin, công tác thanh, kiểm tra, chi phí không chính thức, chất lượng thực thi quy định tại các địa phương và các khó khăn doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải.
Báo cáo PCI 2022 cũng phản ánh đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường kinh doanh tại Việt Nam trên nhiều khía cạnh như thủ tục đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai, xuất nhập khẩu, chất lượng lao động…
Cũng trong báo cáo PCI 2022, lần đầu tiên VCCI và USAID giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.