Petrolimex và vị thế không đối thủ xứng tầm
Là DN kinh doanh xăng dầu hàng đầu cả nước với 50% thị phần, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã CK: PLX) còn dẫn đầu lĩnh vực kinh doanh nhựa đường (30% thị phần) và đứng thứ 2 ngành dầu nhờn (12% thị phần) với công ty con PLC, thương hiệu Gas của Petrolimex cũng là 1 trong 3 công ty dẫn đầu về sản lượng bán, chiếm 15% lượng tiêu thụ tại Việt Nam. PIJICO là công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn thứ 5 về doanh thu trên thị trường.
Petrolimex đã triển khai chiến lược bán lẻ toàn diện |
Đặc biệt, Petrolimex là mô hình khép kín từ hoạt động nhập khẩu, bán lẻ xăng dầu với 84% doanh thu đến từ hoạt động này. Hiện Petrolimex sở hữu hệ thống hạ tầng xăng dầu quy mô lớn không có đối thủ xứng tầm với hệ thống kho cảng hiện đại (2,2 triệu tấn), đường ống (570km), kho ngoại quan (có thể tiếp nhận tàu 150.00 DWT). Đáng chú ý, Petrolimex sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với 5.200 cửa hàng xăng dầu trong đó 2.350 cửa hàng trực thuộc (bỏ xa đối thủ kế tiếp là PV Oil với 540 cửa hàng) trên tổng số 14.000 cửa hàng toàn quốc. Đây là lợi thế cạnh tranh của Petrolimex, khó có DN nào xây dựng được trong tương lai gần.
CTCK FUNAN - FNS phân tích, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, lợi nhuận trên mỗi lít xăng là như nhau đối với các công ty phân phối; tuy nhiên, Petrolimex điều tiết giá vốn tốt hơn các DN khác nhờ sở hữu hệ thống kho cảng hiện đại với sức chứa 2,2 triệu tấn khiến Petrolimex có khả năng dễ dàng thay đổi vòng quay hàng tồn kho của mình một cách chủ động để phù hợp với biến động của giá xăng dầu đầu vào. Đặc biệt khi đánh giá giá dầu có xu hướng giảm, PLX có thể linh hoạt tích trữ tăng thêm hàng tồn kho tại các bể chứa của mình.
Bên cạnh đó, hiện tại 35% sản lượng là mua từ nhà máy lọc dầu Dung Quất, chưa kể một số nhà cung cấp khác trong nước. Trong năm 2018, Petrolimex đặt mục tiêu tăng tỷ lệ sản lượng mua từ trong nước lên khoảng 55%, trên cơ sở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu đi vào hoạt động. Vậy nên khi giá dầu ở mức cao, biên lợi nhuận của Petrolimex sẽ duy trì ở mức thấp (3% như giai đoạn trước 2014) và ngược lại khi giá xăng dầu giảm (8-10% từ sau 2015). Ngoài ra so với đối thủ PV Oil, việc sở hữu các cây xăng trực thuộc với biên lợi nhuận cao hơn các đại lý xăng dầu đã giúp cho kết quả kinh doanh của Petrolimex có phần ổn định hơn (do không phải chi trả thêm một phần hoa hồng hoặc chia sẻ lợi nhuận).
Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 của Petrolimex ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất (của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí…) là 142.843 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 9 tháng năm 2018 là 66,42 USD/thùng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 3.968 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch và bằng 112% so với cùng kỳ. Năm 2018, Petrolimex đặt kế hoạch 158.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 3% so với năm 2017, lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2017.
Cơ hội cho các nhà đầu tư không chỉ từ lợi tức mà còn là giá trị cổ phiếu khi theo kế hoạch, Bộ Công thương sẽ giảm 24,9% vốn tại Petrolimex, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 78,6% xuống 53,7%. Nhìn về chiến lược dài hạn, Petrolimex đã triển khai chiến lược bán lẻ toàn diện, tăng cường cho thuê diện tích mặt bằng các trạm xăng cho bên bán lẻ thứ 3 như rửa xe ô tô, dược phẩm, kết hợp bán bảo hiểm phi nhân thọ cho các phương tiện giao thông, phát hành thẻ mua xăng dầu flexi card cũng như các dịch vụ chăm sóc xe ô tô/xe máy tại các trạm xăng.
Theo SSI, trong năm 2018, Petrolimex cũng sẽ có thể ghi nhận lợi nhuận tài chính bất thường từ thương vụ sáp nhập PGBank vào HDBank nếu thương vụ này diễn ra đúng như dự kiến. Hiện Petrolimex đang sở hữu 40% PGBank (tương ứng 120 triệu cổ phiếu). Sau khi hoán đổi, giá trị cổ phần HDBank mà Petrolimex nắm giữ sẽ tương đương 2.678 tỷ đồng so với giá gốc ghi nhận là 1.077 tỷ đồng, SSI phân tích.