Petrovietnam có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam
Các hoạt động của Petrovietnam có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam. |
Petrovietnam ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế
Cũng theo đánh giá của Fitch Ratings, các điểm xếp hạng Tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ IDR (Issuer Default Rating) ở mức ‘BB’ triển vọng tích cực (ngang bằng với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam) và Nợ ưu tiên không có tài sản đảm bảo đạt mức “BB”. Và ngày 13/12/2023 Fitch đã nâng điểm xếp hạng tín nhiệm IDR của Petrovietnam lên mức BB+ triển vọng ổn định; và Nợ ưu tiên không có tài sản đảm bảo của Petrovietnam được nâng lên mức “BB+” ngay sau khi xếp hạng tín nhiệm của Chính phủ Việt Nam được nâng lên mức “BB+” triển vọng ổn định vào ngày 8/12/2023. Những kết quả này cho thấy Petrovietnam đang có một hồ sơ tài chính lành mạnh và mức độ liên kết cao trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn. Mặc dù sẽ có nhiều khoản đầu tư mới vào các dự án thượng nguồn và hạ nguồn, Fitch kỳ vọng dòng tiền của Petrovietnam sẽ vẫn được duy trì tốt trong vòng 4 năm tới.
Báo cáo của Fitch Ratings đánh giá Petrovietnam có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế xã hội của cả nước, theo đó, các hoạt động của Petrovietnam đều có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng tại Việt Nam. Điều này được lý giải bởi hiện Petrovietnam đang chiếm khoảng 1/3 thị trường sản phẩm lọc hóa dầu, chi phối thị trường phân phối khí và cung cấp khoảng 80% sản lượng phân bón. Sức ảnh hưởng của Petrovietnam đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam cũng được đánh giá tương đương những công ty dầu khí quốc gia trong khu vực như Pertamina (Indonesia)…
Chuỗi dự án khí điện Lô B là một trong những dự án trọng điểm của Petrovietnam trong thời gian tới |
Về triển vọng, Fitch Ratings đặc biệt nhấn mạnh đến khả năng gia tăng sản lượng khai thác khí của Petrovietnam trong giai đoạn trung hạn khi triển khai hiệu quả các dự án mới. Tuy nhiên, sau khi giá dầu gần như đạt mức đỉnh vào năm 2022 khi tăng 40% thì Fitch Ratings cũng đánh giá hoạt động thượng nguồn của Petrovietnam sẽ trở lại trạng thái bình thường bởi ảnh hưởng của sản lượng khai thác dầu khí trong nước không tăng cao. Fitch Ratings dự đoán Petrovietnam sẽ có sự tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2027 – 2028 khi tăng mạnh chi phí đầu tư trung hạn vào các dự án phát triển và mở rộng đầy tham vọng trong vòng ba bốn năm tới. Với khoảng 40% vốn đầu tư sẽ được phân bổ cho các dự án khí thượng nguồn và tăng thêm 15% cho việc mở rộng trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Số còn lại sẽ được trực tiếp sử dụng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự án khí và các dự án điện.
“Việc mở rộng cơ sở hạ tầng phân phối khí của Petrovietnam sẽ thúc đẩy việc xây dựng các cảng chứa khí hóa lỏng trong năm 2025 - 2026 và những dự án này sẽ mang lại lợi nhuận cho Tập đoàn từ năm 2026”, Fitch Ratngs nhận định.
Bên cạnh đó, trong trung hạn, Petrovietnam cũng sẽ được hưởng lợi từ các lĩnh vực ngoài lọc hóa dầu được thúc đẩy nhờ các chuỗi liên kết kinh doanh trong hệ sinh thái của Tập đoàn được đẩy mạnh và Chính phủ thực hiện các cam kết mạnh mẽ đối với việc phát triển công nghiệp khí tự nhiên.
Ngoài ra, Fitch Ratings cũng đánh giá lĩnh vực kinh doanh khí và điện ổn định hơn khi chiếm khoảng 40% chỉ số phản ánh thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) của Tập đoàn trong 4 năm tới.
Nỗ lực vượt khó
Năm 2023 là năm còn rất nhiều khó khăn và biến động đối với kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Cung – cầu thị trường có biến động lớn, giá sản phẩm năng lượng suy giảm mạnh so với năm 2022, trong đó giá dầu thô giảm tới 17- 38%, giá phân bón giảm 25- 30%, biên lợi nhuận lọc hóa dầu suy giảm 24-26%...
Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực, cố gắng cùng triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản trị, ứng phó kịp thời với các biến động thị trường, Petrovietnam đã hoàn thành và về đích trước kế hoạch cả năm 2023 ở hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh quan trọng. Cụ thể, qua 11 tháng, Tập đoàn đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu tài chính cả năm 2023, trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng đã về đích sớm trước từ 2 đến 5 tháng so với kế hoạch. Lũy kế 11 tháng, tổng doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 833.600 tỷ đồng, vượt 23% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 134.000 tỷ đồng, vượt 71% so với kế hoạch năm.
Petrovietnam đang chuẩn bị triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi |
Hệ thống quản trị của Petrovietnam cũng ngày càng hoàn thiện, khắc phục được những tồn tại, công tác quản trị rủi ro được tăng cường giúp việc phó với các biến động của thị trường được thực hiện một cách hiệu quả. Chính điều này đã giúp Petrovietnam vững vàng trước sóng gió, trước những biến động khó lường của thị trường và là một trong số ít các tập đoàn/công ty dầu khí trên thế giới hoạt động có lãi, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh “khủng hoảng kép” do tác động của giá dầu và dịch Covid-19 cũng như các biến động địa chính trị khác.
Tại Petrovietnam, quản trị rủi ro đã thấm sâu, trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp, không chỉ ở công ty mẹ mà còn ở tất cả các đơn vị thành viên. Petrovietnam luôn chú trọng bám sát diễn biến của thị trường, cập nhật các chính sách, sự phát triển của khoa học công nghệ, của môi trường tự nhiên, chính trị xã hội... từ đó nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp tương ứng. Petrovietnam phân cấp đồng bộ, giao quyền cho người hiểu rõ nhất về công việc ra quyết định và chịu trách nhiệm, để có những quyết định nhanh chóng, chính xác và ứng biến kịp thời. Sự lãnh đạo, điều phối nguồn lực, hỗ trợ, cùng với kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro từ Petrovietnam đến các đơn vị thành viên được thực hiện một cách nhất quán, có hệ thống, kết nối chuỗi giá trị, đảm bảo tính liên tục và hướng đích... và đã mang hiệu quả cao cho doanh nghiệp.
Năm 2023 còn ghi dấu việc Petrovietnam cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi Dự án khí điện Lô B - Ô Môn, sự kiện quan trọng nhất, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án khí điện trọng điểm đã kéo dài hơn 20 năm. Đây là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí; có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỉ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW; có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế -xã hội.
Kho cảng LGN Thị Vải, kho cảng LNG đầu tiên và lớn nhất Việt Nam |
Trước đó, cuối tháng 10/2023, Kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Thị Vải công suất 1 triệu tấn/năm được khánh thành. Đây là kho LNG đầu tiên, lớn nhất Việt Nam, đánh dấu một bước đột phá của Petrovietnam trong việc đa dạng hóa sản phẩm, năng lượng mới, mở rộng thị trường, đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch và xanh hóa nguồn năng lượng quốc gia.
Nhiều dấu ấn nổi bật
Trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí chất lượng cao, Petrovietnam cũng tạo dấu ấn đậm nét khi PTSC - đơn vị dịch vụ chủ lực của Tập đoàn - đã trở thành nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép để triển khai các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển để phát triển dự án điện gió ngoài khơi, phục vụ cho việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.
Trong lĩnh vực chế biến, ngày 7/12, Nhà máy Đạm Cà Mau, được vận hành bởi Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) – đơn vị thành viên của Petrovietnam, đã cán mốc sản lượng 10 trấn urê sau hơn 11 năm vận hành. Kết quả này có được là do nhà máy dây chuyền sản xuất hiện đại chuẩn EU và các nước G7, công tác quản trị rủi ro, vận hành được tối ưu ở mức bình quân 107% so với công suất thiết kế, mỗi năm nhà máy đều đặn cung ứng ra thị trường từ 860.000 tấn urê.
PVCFC cũng được biết đến là nhà sản xuất nội địa duy nhất có khả năng sản xuất urê hạt đục, được đánh giá chất lượng ổn định, dinh dưỡng đủ - bền, thích hợp với đa dạng cây trồng và thổ nhưỡng, góp phần tích cực vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Không chỉ khẳng định vị thế tại thị trường trong nước, PVCFC giờ đã vươn ra biển lớn, ổn định với 30% thị phần tại Campuchia, có mặt tại 18 nước trên thế giới, chinh phục các thị trường khó tính như Pháp, Hoa Kỳ, Nam Mỹ, Peru, Mexico… góp phần vào thành tích 1 tỷ USD xuất khẩu toàn ngành Phân bón. Với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón tại Việt Nam và Đông Nam Á, PVCFC hiện đang đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư sản xuất các loại khí công nghiệp và hóa chất dựa trên nền tảng công nghệ hiện có, và đặc biệt là thực hiện M&A các nhà máy để tiếp tục củng cố, mở rộng thị trường.
Nhà máy Đạm Cà Mau duy trì vận hành ổn định ở công suất 107% thông qua các giải pháp kỹ thuật |
Một dấu ấn nổi bật khác của Petrovietnam là việc Tập đoàn đã đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào cuối tháng 4/2023. Nhà máy có tổng công suất 1.200 MW, quy mô công suất lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, được xây dựng tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Việc hoàn thành và đưa nhà máy vào vận hành không chỉ góp phần giải quyết nguy cơ thiếu hụt điện cho nền kinh tế, và cùng với việc đưa Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vào vận hành cuối năm 2022, Petrovietnam đã củng cố vững chắc vị thế là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 của nền kinh tế, hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp lớn hơn vào đà tăng trưởng của Tập đoàn thời gian tới.
Với việc năm thứ năm liên tiếp được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Fitch Ratings đánh xếp hạng tín nhiệm độc lập ở mức ‘BB+’ đã phản ánh chính xác về tình hình kinh doanh và tài chính vững mạnh của Petrovietnam. Kết quả này sẽ là điều kiện quan trọng để thu hút các nhà đầu tư, đối tác tin cậy trên thế giới hợp tác, làm việc với Petrovietnam để Tập đoàn phát triển, mở rộng mô hình kinh doanh trong tương lai hướng đến những mục tiêu xây dựng, phát triển trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu đất nước và trong khu vực.
Với phương châm “Quản trị biến động – Mở rộng quy mô – Tăng tốc chuyển đổi số - Dịch chuyển mô hình – Nâng cao năng suất – Tái tạo kinh doanh”, với mục tiêu việc triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) giai đoạn đến hết năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ là nền tảng vững chắc đảm bảo sự phát triển bền vững của Petrovietnam, là cơ sở tiền đề để Tập đoàn củng cố, duy trì và hướng tới nâng hạng xếp hạng tín nhiệm theo các chuẩn mực quốc tế.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có ba đơn vị thành viên là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) và Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cũng được Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm quốc tế năm 2023 ở mức ‘BB+’ với triển vọng ổn định. |
NMNĐ Thái Bình 2 |