“Phá băng” tín dụng
Quy định mới về lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho dự án PPP |
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới. Xu hướng giảm lãi suất cho vay tiếp tục diễn ra từ nay đến cuối năm.
Thực tế, trong tuần vừa qua các ngân hàng thương mại lớn liên tục thông báo giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Như VietinBank đã tiếp tục hạ lãi suất cho vay DNNVV từ nay đến 31/12/2023. Theo đó, lãi suất điều chỉnh mới từ 5,9%/năm. Quy mô gói ưu đãi lãi suất lên đến 15.000 tỷ đồng.
Agribank tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với đối tượng khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Với chính sách mới này, sẽ có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3% đến 4%. Ước tính, trong đợt giảm lãi suất lần này, Agribank sẽ dành tối đa khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ khách hàng. Đây là lần thứ 7 trong năm 2023 Agribank điều chỉnh giảm lãi suất.
Bên cạnh giảm mạnh lãi suất điều hành, NHNN cũng đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; cũng như chủ động đề xuất các gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân; gói tín dụng cho vay thủy sản 15 nghìn tỷ đồng… góp phần thúc đẩy cầu tín dụng. Ngoài ra, NHNN tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các địa phương.
Các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số giảm thiểu thủ tục hành chính tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi |
Nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm đã được Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại Nghị trường Quốc hội: chủ yếu là do cầu tín dụng suy giảm, đơn hàng của doanh nghiệp giảm, khả năng khai thác cầu nội địa khó khăn do người dân khó khăn sau đại dịch Covid-19.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng chỉ ra nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng chậm không phải do điều kiện cho vay của ngân hàng quá khắt khe như nhiều ý kiến đưa ra thời gian vừa rồi, mà đa phần doanh nghiệp không còn đủ điều kiện vay vốn, một số khác dù đủ điều kiện nhưng không biết vay để làm gì do sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đối với ngân hàng xem xét khi cho vay có tài sản bảo đảm hay không chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất là khả năng trả nợ của khách hàng. “Cũng vì lẽ đó dù ngân hàng có tiền cũng không dám cho vay khi doanh nghiệp không có đơn hàng, không chứng minh được khả năng trả nợ. Chừng nào Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) còn chưa vượt quá 50 điểm, thì tín dụng sẽ còn khó khăn”, TS. Nghĩa nhận định.
Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm. Thậm chí có những năm, tín dụng thời điểm này tăng gấp đôi nửa đầu năm. Song trong vài tháng tới, với diễn biến thực tế tín dụng khó tăng đột biến và cả năm nay, khả năng tín dụng chỉ tăng tối đa 9 - 10%. Bởi khó khăn của nền kinh tế hiện nay không chỉ là vấn đề ngắn hạn, mà còn là câu chuyện trung hạn, dài hạn. Cho nên, “phá băng” tín dụng là vấn đề rất khó khăn, không thể chỉ ngày một, ngày hai.
Theo các chuyên gia để “phá băng” tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng. Bởi chỉ khi kinh tế khởi sắc, cầu tín dụng mới phục hồi. Muốn vậy, cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khơi thông thị trường xuất khẩu. Song song với đó cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Bên cạnh đó, theo ông Lê Xuân Nghĩa, “để tín dụng phục hồi, cần phải phục hồi thị trường bất động sản trên nền tảng nhà ở giá rẻ”.
Theo chuyên gia này, cần tập trung đẩy mạnh nhà ở giá rẻ. Muốn vậy, không nên khống chế giá và tỷ lệ lợi nhuận với nhà ở giá rẻ, nhất là không bắt doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về đối tượng mua nhà. “Nếu làm được như vậy, gói 120.000 tỷ đồng, thậm chí 200.000 tỷ đồng cũng sẽ giải ngân rất nhanh, có thể tạo sức lan tỏa cho nhiều ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất…, tạo sức bật cho tín dụng toàn thị trường. Nếu chỉ cho vay gói gọn trong nhà ở xã hội như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng bế tắc, vì người có khả năng mua nhà thì không mua được nhà, còn người nằm trong đối tượng mua nhà ở xã hội lại không có khả năng thanh toán”, TS. Nghĩa nhận định.
Từ thực tiễn cho thấy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng. TS. Ngô Trí Long đề xuất, cần phải thúc đẩy các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế. Trong đó sớm xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản. Đối với nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đòi hỏi từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các Quỹ bảo lãnh DNNVV, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Về định hướng điều hành thời gian tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ nay đến cuối năm NHNN sẽ điều phối về tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống, cũng như của các tổ chức tín dụng để có thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như hồ sơ vay vốn để rút ngắn quá trình xem xét tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi.