Phá “điểm nghẽn” trong tiêu thụ nông sản
Xây dựng nhãn hiệu nông sản Đà Lạt gắn với mã số vùng trồng Ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị cho nông sản xuất khẩu |
Cùng với đó, Bình Định là một trong những vựa chăn nuôi heo lớn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với tổng đàn lên đến 6.862 nghìn con; đàn bò có xu hướng tăng mạnh với 3.086 nghìn con; chăn nuôi gà luôn dẫn đầu ở khu vực với số lượng khoảng 85 triệu con. Về sản phẩm OCOP, lũy kế đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 382 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP. Trong đó: 44 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 338 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian qua cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, người nông dân chủ động hơn trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm, thông qua hệ thống đại lý thu mua ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Định, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Song, quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản của địa phương vẫn thiếu tính bền vững, còn tình trạng “được mùa, mất giá.” Trong khi chi phí đầu vào sản xuất còn cao, chưa hình thành nhiều chuỗi giá trị từ sản xuất đến tận tay người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, một trong những “điểm nghẽn” khiến việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển ngành nông nghiệp của địa phương chưa bền vững là do việc hình thành các chuỗi liên kết nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn còn chưa nhiều. Chưa hình thành được các chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến người tiêu dùng là một trong những nguyên nhân chính khiến sản xuất nông nghiệp của tỉnh thiếu tính bền vững.
Để giải quyết tình trạng này, cần có sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp và các hợp tác xã. Các đơn vị này đóng vai trò quan trọng trong việc làm đầu mối sản xuất theo đơn đặt hàng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thu gom, sơ chế, chế biến nông sản, đàm phán giá cả, ký kết hợp đồng và mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong lẫn ngoài nước.
Trong khi đó, diện tích nuôi trồng nông sản nhỏ lẻ, manh mún cũng cản trở việc cấp mã số vùng trồng. Đặc biệt, toàn tỉnh Bình Định hiện có khoảng 2.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, nhưng chỉ 45,7% đăng ký kinh doanh và 3,3% áp dụng hệ thống quản lý chất lượng như VietGAP, HACCP. Những con số này cho thấy cần phải được cải thiện để thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinanutrifood Bình Định, để phát triển nông nghiệp hiệu quả, địa phương cần xác định cây trồng chủ lực.
Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đưa ra nhận định, sản phẩm nông nghiệp và các làng nghề truyền thống của địa phương rất đa dạng và nổi tiếng. Song, phần lớn vẫn phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, chưa tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất an toàn rộng rãi. Điều này gây khó khăn cho nông dân trong việc nâng cao thu nhập từ nông nghiệp. Bởi vậy, trong thời gian tới, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh cần thực hiện hai mục tiêu chính. Thứ nhất, cần xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương dựa trên thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên, không chạy theo lợi ích trước mắt. Thứ hai, hướng tới sản xuất theo mô hình vùng nguyên liệu lớn, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng cam kết hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp và nông dân thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản. Về quy trình sản xuất, yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng kêu gọi các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.