Phạm vi, đối tượng tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024
Nghị quyết nêu rõ, tiết kiệm, cắt giảm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước; nguồn thu phí được khấu trừ để lại, nguồn thu sự nghiệp, thu khác được để lại theo chế độ được giao đầu năm 2024 để chi thường xuyên của các đơn vị dự toán thuộc các Bộ, cơ quan ở trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi loại trừ các khoản sau:
1- Các khoản chi lương, có tính chất tiền lương và các khoản chi cho con người.
2- Các khoản chi theo các cam kết quốc tế.
3- Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ mua sắm, sửa chữa theo các hợp đồng cung ứng hàng hóa, dịch vụ đã ký hợp đồng trước ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết này và tiếp tục thực hiện trong năm 2024; các gói thầu đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết này.
4- Kinh phí thực hiện một số nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đặc thù, quan trọng không thực hiện cắt giảm.
Ảnh minh họa |
Chính phủ yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách xác định số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm gửi cơ quan quản lý cấp trên rà soát, tổng hợp. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương, Chủ tịch UBND các cấp quyết định số kinh phí cắt giảm, tiết kiệm của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chi tiết theo từng lĩnh vực chi (kể cả các cơ quan, đơn vị hành chính đã được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính; đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; các cơ quan, đơn vị chi hoạt động thường xuyên từ nguồn thu phí được khấu trừ để lại, nguồn thu nghiệp vụ được để lại) gửi Kho bạc nhà nước để kiểm soát chi (*).
Nghị quyết nêu rõ, kinh phí cắt giảm, tiết kiệm được quản lý như sau:
Các Bộ, cơ quan ở trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, báo cáo kinh phí cắt giảm, tiết kiệm gửi Bộ Tài chính trước ngày 20/8/2024 để tổng hợp số cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước của các Bộ, cơ quan ở trung ương (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) và địa phương để tổng hợp, báo cáo Chính phủ để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Kinh phí cắt giảm, tiết kiệm chi phí quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện nộp vào các Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm y tế tương ứng. Kinh phí cắt giảm, tiết kiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ nguồn thu 2% kinh phí công đoàn chuyển sang năm sau sử dụng theo quy định tại. Đối với kinh phí khoán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 07/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tài chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thực hiện cắt giảm, tiết kiệm khi xây dựng phương án khoán kinh phí năm 2024.
Đối với kinh phí cắt giảm, tiết kiệm từ nguồn thu phí được khấu trừ để lại theo quy định của pháp luật phí, lệ phí: Căn cứ quyết định cắt giảm, tiết kiệm của cơ quan chủ quản, các cơ quan, đơn vị thực hiện nộp kinh phí cắt giảm, tiết kiệm vào ngân sách nhà nước. Đến hết năm ngân sách, trường hợp số thu có biến động so dự toán giao đầu năm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý cấp trên quyết định điều chỉnh kinh phí cắt giảm, tiết kiệm như quy định tại (*).
Đối với kinh phí cắt giảm, tiết kiệm từ nguồn thu sự nghiệp, thu khác được để lại: Căn cứ quyết định cắt giảm, tiết kiệm của cơ quan chủ quản, các cơ quan, đơn vị trích vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị để tăng đầu tư phát triển hoạt động sự nghiệp. Đến hết năm ngân sách, trường hợp số thu có biến động so dự toán giao đầu năm, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý cấp trên quyết định điều chỉnh kinh phí cắt giảm, tiết kiệm như quy định tại (*).