Phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thuỷ sản có thể phải chịu thuế 5%
Ảnh minh họa |
Về việc chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, Chủ nhiệm Uỷ ban TCNS Lê Quang Mạnh cho biết, nội dung này đã được Uỷ ban TVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ, chuyển phân bón, máy móc nông nghiệp và tàu khai thác thuỷ sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5% như được thể hiện tại dự thảo Luật và Báo cáo giải trình tiếp thu số 1035/BC-UBTVQH15 đã trình Quốc hội.
Tại phiên thảo luận tại Hội trường đã có nhiều đại biểu phát biểu về nội dung này, trong đó, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo Luật và nội dung giải trình của UBTVQH và Chính phủ, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành.
Thường trực Ủy ban TCNS đã hoàn thiện nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, bổ sung các số liệu và thông tin như đề nghị của ĐBQH, thể hiện tại dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu. Nội dung này đã được UBTVQH thống nhất với đề xuất của Chính phủ như thể hiện tại dự thảo Luật của Chính phủ. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tại Hội trường vẫn có một số ĐBQH chưa thống nhất về nội dung này, vì vậy, Thường trực Uỷ ban TCNS đề nghị UBVQH cho ý kiến chỉ đạo về việc lấy ý kiến ĐBQH.
Thảo luận tại phiên họp này vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, nội dung này đã được cơ quan soạn thảo vào cơ quan thẩm tra thống nhất thì không cần đưa ra xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Song cũng có ý kiến cho rằng đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nên cần phải xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Về quy định không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý đã bỏ quy định cho phép không nộp thuế GTGT đầu ra nhưng lại được khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với nông sản chưa chế biến hoặc sơ chế ở khâu thương mại để bảo đảm nguyên tắc của thuế GTGT là chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi đầu ra thuộc diện chịu thuế GTGT. Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như quy định hiện hành (là không phải tính, nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào) để giảm bớt thủ tục hành chính, ngăn chặn gian lận hoá đơn trong hoàn thuế GTGT như đã thực hiện thời gian qua và hiện nay hệ thống hoá đơn điện tử vẫn chưa ngăn chặn được việc lập hoá đơn giả (khi không có giao dịch) và sự quá tải của cơ quan thuế trong việc kiểm tra, xác minh hoàn thuế GTGT qua các khâu.
Trên thực tế, chính sách này được ban hành để chống gian lận hoàn thuế khi các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hoá đơn giấy tự tạo, đến nay không còn phù hợp và cần thiết. Hơn nữa, ngay cả với quy định này, thời gian vừa qua cơ quan thuế vẫn cho rằng có nhiều trường hợp gian lận hoá đơn hoàn thuế đối với một số sản phẩm nông sản xuất khẩu (dăm gỗ, tinh bột sắn,...).
Đến nay, các doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng hoá đơn điện tử, Cơ quan thuế đã cập nhật liên tục các hoá đơn do doanh nghiệp phát hành, kịp thời theo dõi tình hình thu nộp ngân sách, nâng cao chất lượng kiểm soát và thực hiện số hoá các thủ tục hành chính. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung nội dung quy định về điều kiện để được hoàn thuế, trong đó nếu người bán chưa kê khai nộp thuế thì người mua không được hoàn thuế với hoá đơn đầu vào đó. Quy định mới này bảo đảm hiệu lực và hiệu quả để chống gian lận hoá đơn trong hoàn thuế GTGT, tạo căn cứ pháp lý cho Cơ quan thuế chỉ giải quyết hồ sơ hoàn thuế khi bên bán đã kê khai và nộp tiền vào NSNN. Do vậy, khó xảy ra trường hợp Cơ quan thuế hoàn thuế cho các hoá đơn giả khi không có giao dịch và không có số thuế đầu vào đã được nộp vào ngân sách.
Tại phiên thảo luận tại Hội trường, chỉ có 2 ý kiến phát biểu về nội dung này, một ý kiến đồng ý với dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý và một ý kiến đề nghị giữ như hiện hành. Tại cuộc họp của Thường trực Uỷ ban TCNS và Cơ quan soạn thảo ngày 11/11/2023, nội dung này vẫn chưa đạt được sự thống nhất, vì vậy, Thường trực Uỷ ban TCNS đề nghị UBTVQH cho xin ý kiến ĐBQH theo 2 phương án.
Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT. Dự thảo Luật sau tiếp thu, chỉnh lý đã quy định mức ngưỡng 200 triệu đồng/năm. Chính phủ đề nghị giữ nội dung này như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7, theo đó, giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định mức ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế để bảo đảm kịp thời điều hành phù hợp với thực tiễn và bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi.
Chính phủ cho rằng, việc nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế là đi ngược chủ trương khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Các ý kiến ĐBQH thảo luận tại Hội trường không đề nghị giao Chính phủ quy định mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; có ý kiến đề nghị nâng mức ngưỡng doanh thu này lên trên mức 200 triệu, có ý kiến đề nghị mức trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng cho những năm tới.
Về vấn đề này, ông Lê Quang Mạnh cho rằng, phương án của Chính phủ là chưa phù hợp vì Hiến pháp đã quy định “các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phải được dự toán và do luật định”; mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế (trong trường hợp này là những cá nhân, hộ kinh doanh có thu nhập thấp trong xã hội - tương đương doanh thu 8,3 triệu đồng/tháng theo mức hiện hành là 100 triệu đồng/năm). Nội dung này cần được quy định trong Luật như hiện hành. Việc tăng lên mức 200 triệu đồng/năm như dự thảo Luật (tương đương 16,6 triệu đồng/tháng) là mức rất thấp, các hộ có mức doanh thu dưới ngưỡng này khó có thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
“Tại cuộc họp của Thường trực Uỷ ban TCNS và Cơ quan soạn thảo ngày 11/11/2023, Cơ quan soạn thảo thống nhất với mức ngưỡng 200 triệu/năm và bỏ quy định điều chỉnh theo CPI. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS cũng thống nhất với phương án xử lý này. Tuy nhiên, Cơ quan soạn thảo nhấn mạnh nội dung này cần xin lại ý kiến Lãnh đạo Chính phủ để có thể đạt được sự thống nhất”, ông Lê Quang Mạnh phát biểu.