Phát hành trái phiếu kiều hối
Không minh bạch thông tin trái phiếu, nhiều doanh nghiệp bị xử phạt HDBank phát hành trái phiếu ra công chúng |
Cần một định chế tài chính trung gian cho trái phiếu kiều hối
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, đất nước ta đang trong giai đoạn tăng tốc, phát triển nên nhu cầu vốn rất lớn. Trong khi nguồn vốn ODA đắt đỏ, FDI đang chững lại, vốn tư nhân suy giảm, vốn đầu tư công có hạn thì phát hành trái phiếu đang là xu hướng thu hút các nguồn lực của kiều bào để phát triển đất nước.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng đề xuất, TP. Hồ Chí Minh phát hành trái phiếu riêng lẻ để kiều bào có thể mua tài trợ cho các dự án xây dựng TP. Hồ Chí Minh. Theo TS. Hiếu, hiện nay người nhận kiều hối nếu gửi tiết kiệm USD thì lãi suất 0%; thay vào đó thành phố phát hành trái phiếu cho kiều bào, lấy lãi suất trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường quốc tế làm tham chiếu và cộng thêm 1-2% thì khả năng thành công sẽ lên tới 70%.
Thành phố có thể phát hành thử nghiệm 100 triệu USD trái phiếu trong đợt đầu tiên, nếu thành công sẽ phát hành tiếp và mở rộng kênh phân phối trái phiếu ở tất cả các quốc gia có kiều bào đang sinh sống. Thành phố có thể thuê các công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế đánh giá về khả năng tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách… để thuyết phục kiều bào về nguồn trả nợ trái phiếu. Nhà đầu tư cần nhất là tính minh bạch của phương án phát hành trái phiếu.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: Trong các nguồn lực phát triển, thành phố luôn xác định ngân sách là nguồn lực mang tính dẫn dắt, là dòng vốn "mồi" để từ đó thu hút nguồn lực đầu tư từ xã hội. Trong tất cả các nguồn lực, thành phố nhận thấy một nguồn lực rất lớn, rất ý nghĩa luôn đổ về thành phố một cách bền bỉ, nhiều năm qua, đó là kiều hối. Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn gấp 3 lần giải ngân vốn FDI (năm 2023 kiều hối TP. Hồ Chí Minh đạt 9,46 tỷ USD). Điều đáng trân trọng là trong quá trình gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo thành phố, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài luôn bày tỏ mong muốn được đầu tư nhiều hơn nữa cho quê hương, đặc biệt là cho TP. Hồ Chí Minh. UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh xây dựng Đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”. Qua nhiều lần dự thảo, lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các cơ quan đơn vị liên quan, đến nay Đề án đang được tiếp tục hoàn thiện để sớm được thông qua và thực hiện. |
TS. Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành đồng tình với việc phát hành trái phiếu huy động nguồn lực của kiều bào, tuy nhiên phải cụ thể hóa phương án phát hành trái phiếu cho từng loại công trình hạ tầng, văn hóa, giáo dục… Đơn cử, thông qua các định chế tài chính lập ra các quỹ như Quỹ đầu tư kiều hối, môi trường, Quỹ thể thao… và nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho các quỹ, đồng thời để kiều bào mua trái phiếu qua các quỹ này. “Tâm lý nhà đầu tư thường bỏ vốn vào nơi quen biết, tin cậy, nên chúng ta xây dựng chính sách minh bạch tiền sẽ quay về đầu tư vào nơi ổn định, an toàn, ít rủi ro”, TS. Điền nói.
Phát hành trái phiếu VND cho kiều bào
Tại toạ đàm, các diễn giả cũng đặt vấn đề muốn nắn dòng kiều hối vào một lĩnh vực sản xuất kinh doanh cụ thể, cần phải nắm bắt được hiện nay kiều hối đang đi về đâu?
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho hay, lượng kiều hối chuyển về trong quý I năm nay tăng 35,4% so với cùng kỳ và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây. Trong 5 năm qua bình quân mỗi năm nguồn kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh khoảng 6,9 tỷ USD. Theo ông Lệnh, kiều hối là tiền ngoại tệ của kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài gửi về cho, tặng thân nhân và gia đình ở trong nước. Theo đó, nguồn kiều hối chủ yếu sử dụng vào tiêu dùng cá nhân, điều này thấy rõ nhất là những làng quê có nhiều thân nhân là Việt kiều gửi tiền hỗ trợ người thân xây nhà, mua xe cộ, nên đời sống người dân ở đó khá cao.
Ở góc độ quản trị kinh doanh, kiều hối là nguồn vốn không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác (như nguồn vốn vay trả nợ nước ngoài, nguồn vốn ODA; đầu tư trực tiếp nước ngoài…). Ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, nếu nguồn kiều hối được tập trung và sử dụng hiệu quả sẽ tác động thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối sẽ là giải pháp bền vững, hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp thu nhập, đời sống người dân nâng lên... sẽ tác động trở lại để thu hút thêm nguồn vốn Việt kiều gửi về nước.
Theo ông Lệnh, để phát hành trái phiếu địa phương, để thu hút nguồn lực của kiều bào cho phát triển hạ tầng, phải thông tin truyền thông và thể hiện được hiệu quả sử dụng nguồn vốn này mới thu hút được nguồn lực kiều bào đầu tư.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh đề nghị, Công ty Đầu tư Tài chính thành phố (HFIC) có thể chọn 5-6 dự án có tính lan tỏa cao của thành phố ưu tiên làm trước, xây dựng Đề án thu hút nguồn kiều hối về đầu tư cho hạ tầng thành phố.
TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh cho phép huy động được nhiều nguồn lực. Kiều hối là nguồn lực quan trọng, cần tiếp tục thu hút nhiều hơn và đưa vào đầu tư phát triển bền vững - nhưng vẫn phải đặt ích nước, lợi nhà lên trên hết. Theo TS. Trần Du Lịch, giải pháp phát hành trái phiếu kiều hối bằng ngoại tệ phải xin cơ chế của Trung ương; nếu phát hành trái phiếu bằng VND sẽ ít vướng các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối nên có thể làm được ngay. TP. Hồ Chí Minh phải chủ động, phát huy cho được vai trò của công ty HFIC như một đầu đàn để thu hút, dẫn dắt được dòng vốn này.