Phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch văn hóa
Di sản đô thị là động cơ, là duyên cớ thôi thúc chuyến đi, là môi trường tương tác và những trải nghiệm đáng giá cho du khách. Từ đó, trở thành tài nguyên, nguồn lực cho phát triển du lịch bền vững. Bởi khách du lịch văn hóa có xu hướng lưu lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn cho mỗi ngày tham quan. Do đó, tác động kinh tế của du lịch di sản lớn hơn nhiều so với du lịch có mục tiêu khác.
Ở chiều ngược lại, phát triển du lịch di sản văn hóa là biện pháp hữu hiệu để duy trì bản sắc và phát triển đô thị bền vững dưới áp lực của quá trình toàn cầu hóa.
Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Hải Phòng, một trong những di sản văn hóa thu hút khách du lịch (Ảnh: Lê Minh) |
Đơn cử, TP. Hải Phòng là một trong không nhiều đô thị ở Việt Nam vẫn giữ được tương đối nguyên vẹn, đầy đủ tài nguyên di sản đô thị thời cận đại, từ Thực dân tiền kỳ, Cổ điển, Tân cổ điển, Địa phương Pháp cho đến cả Đông Dương, Neo Gothic, Art Decor và Cận hiện đại. Những phong cách kiến trúc đặc trưng của người Pháp được tiếp thu, sáng tạo và tiếp biến thành những kiểu cách riêng có của kiến trúc Pháp ở Hải Phòng.
"Chính sự đa dạng về phong cách kiến trúc này tạo nên sức hấp dẫn của kiến trúc thời Pháp ở Hải Phòng, tạo ra tài nguyên du lịch văn hóa quý giá cho các nhà chuyên môn, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia, họa sĩ, những người yêu cái đẹp, yêu kiến trúc đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu", TS- KTS. Nguyễn Quốc Tuân, Chủ nhiệm khoa Kiến trúc - Công trình, Trường Đại học Phương Đông chia sẻ.
Mặt khác, do đặc điểm lịch sử phát triển đô thị thời kỳ cận hiện đại ở Việt Nam, các khu phố Pháp luôn nằm trong vùng lõi của các đô thị. Di sản đô thị thời Pháp thường không phân tán, manh mún, không hình thành khu dân cư tự phát đông đúc quanh di tích truyền thống, mà tập hợp thành mảng với quy hoạch rõ ràng, có cảnh quan đẹp với nhiều giá trị cộng hưởng và khả năng phối kết cao, dễ quản lý tập trung. Trải qua những biến động của lịch sử và xã hội, khu phố Pháp vẫn luôn là trung tâm của đô thị Hải Phòng - nơi đặt những công trình quan trọng như UBND thành phố, nhà hát thành phố, nhà thờ, ga, bưu điện, bảo tàng...
Hiện, tại Hải Phòng, ngoài các công trình kiến trúc, di sản thời Pháp thuộc còn có các công trình công nghiệp, nhà máy cũ, công trình giao thông (cầu thép, đập), tiện ích đô thị (tháp nước, hoa viên…) phần lớn còn trong tình trạng tốt để sử dụng. Hầu hết các công trình di sản đều tập trung thành 41 mảng trong khu trung tâm đô thị có diện tích 1,8 km vuông, được bao bọc bởi 2 con sông và một dải vườn hoa, thuận lợi để phối kết tiềm năng. Đây chính là nguồn tài nguyên có giá trị (sử dụng) cao trong phát triển kinh tế và du lịch.
Chính giá trị sử dụng của di sản trong các hoạt động kinh tế - xã hội, cùng với giá trị khai thác của di sản trong phát triển du lịch đã góp phần tạo nên giá trị cộng hưởng kinh tế. So với loại hình di tích “đóng cửa”, “bất khả xâm phạm”, di sản thuộc địa cho phép chúng ta “tận dụng tùy ý và tùy sức, mà còn là một di sản, một tài nguyên của cải - văn hóa - nhân văn”, GS. Hoàng Đạo Kính, chuyên gia về di sản và trùng tu chia sẻ.
Để tránh những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của di sản đô thị này, bảo tồn và phát huy trên cơ sở khai thác phục vụ phát triển là một xu thế tất yếu. Một trong những giải pháp định hướng phù hợp là khai thác phát triển du lịch di sản văn hóa. Đây cũng là hướng đi đúng để đưa di sản trở thành động lực cho sự sáng tạo và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nói chung của thành phố.
TS. Phạm Thị Hường, Trưởng ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường đại học Phương Đông, cho rằng với các giá trị di sản kiến trúc đô thị khu phố Pháp ở Hải Phòng thì đây có thể coi như các sản phẩm du lịch đặc thù mà không phải địa phương nào cũng có được. Vì vậy, cần có những giải pháp trong xây dựng và quảng bá khu phố Pháp để nơi đây thực sự trở thành một thương hiệu của điểm đến Hải Phòng. Để nhắc đến Hải Phòng, du khách không chỉ nhớ tới biển, tới ẩm thực mà còn nhớ tới di sản kiến trúc khu phố Pháp, điều tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của Hải Phòng. Từ đó, các sở ban ngành sẽ có các chính sách phù hợp, đẩy mạnh phát huy giá trị của khu phố Pháp Hải Phòng trong việc xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hải thông qua biểu tượng (logo), khẩu hiệu (slogan).
Có thể kết hợp tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên thế mạnh di sản văn hóa của Hải Phòng là “Foodtour Hải Phòng trong lòng phố Pháp”. Đến với tour du lịch này, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn đường phố Hải Phòng được phục vụ theo phong cách Pháp tại những khu biệt thự Pháp mà còn được tham quan các công trình kiến trúc Pháp nổi tiếng, khám phá các cửa hàng thời trang, nghệ thuật, đồ gốm và đồ thủ công truyền thống Pháp. Điều này sẽ mang lại một trải nghiệm khác biệt, riêng có của khu phố Pháp Hải Phòng.
Để xây dựng và quảng bá điểm đến khu phố Pháp Hải Phòng, cần tăng cường liên kết, hợp tác mạnh mẽ với các địa phương để kết nối, mở rộng thị trường, cùng tạo nên các sản phẩm du lịch chung, sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn du khách…, TS. Phạm Thị Hường nhấn mạnh.