Phát huy hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ tại các TCTD
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết, hệ thống các TCTD Việt Nam đang từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, thách thức. Hoạt động của một số TCTD còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây áp lực lên công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Trước tình hình đó, NHNN luôn quan tâm, chỉ đạo, triển khai đồng bộ quyết liệt các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các rủi ro, vi phạm nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống các TCTD. Việc đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống TCTD nói chung và từng TCTD nói riêng là một trong những mục tiêu trọng tâm của NHNN, trong đó hoạt động kiểm soát, kiểm toán, kiểm tra nội bộ của TCTD đóng vai trò rất quan trọng.
Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng phát biểu khai mạc |
Thời gian qua, NHNN ban hành tương đối đầy đủ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cụ thể như: Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ của TCTD, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài (Thông tư 44), Thông tư số 13/2018/TT- NHNN ngày 18/5/2018 Quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 13) nhằm hướng dẫn, triển khai việc áp dụng hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã kịp thời tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Các TCTD số 32/2024/QH5 ngày 18/01/2024, trong đó quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và phân định hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc cũng như đổi mới, thể chế hóa hoạt động kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ của các TCTD.
Theo Phó Thống, hội nghị lần này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường công tác quản trị rủi ro, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật và điều lệ của các TCTD; tăng cường nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Ban kiểm soát, đặc biệt những yêu cầu, trách nhiệm mới của Ban kiểm soát theo quy định của Luật Các TCTD 2024.
Ông Lại Hữu Phước – Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng phụ trách |
Ông Lại Hữu Phước – Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng phụ trách cho biết, hoạt động của Ban Kiểm soát, kiểm toán nội bộ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đã đạt được những kết quả trong thực hiện các chức trách, nhiệm vụ được giao; đã phát hiện, có những cảnh báo, kiến nghị HĐQT/HĐTV, Ban điều hành và các đơn vị, bộ phận liên quan xử lý các tồn tại, rủi ro, hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TCTD.
Qua công tác giám sát, thanh tra đối với TCTD thời gian qua, NHNN ban hành các công văn chỉ đạo, cảnh báo đối với TCTD, trong đó yêu cầu HĐQT/HĐTV, Ban điều hành, Ban Kiểm soát của TCTD tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của NHNN, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, kịp thời nhận diện, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các rủi ro có thể xảy ra; chủ động phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh cũng như các rủi ro, tồn tại trong hoạt động của ngân hàng; đồng thời, rà soát hoạt động của Ban Kiểm soát, bộ phận kiểm toán nội bộ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, các nội dung, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền để xử lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Kiểm soát, kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ.
Tại Hội nghị, đại diện Ban kiểm soát của các TCTD đã trao đổi về những vấn đề, biện pháp đã, đang và sẽ triển khai nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả của Ban kiểm soát, công tác kiểm soát, kiểm tra, kiểm toán nội bộ tại TCTD.
Theo đại diện Agribank, ngân hàng đã tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Kiểm soát, Kiểm toán nội bộ theo đúng quy định của Luật các TCTD, Điều lệ Agribank, Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Kiểm soát số 1220/QĐ-NHNN, các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN và theo yêu cầu của Luật các TCTD năm 2024.
Thực hiện giám sát, thường xuyên cập nhật, cải tiến, hoàn thiện phương pháp và công cụ giám sát (ứng dụng công nghệ thông tin, bổ sung các mẫu biểu, màn hình tại module kiểm toán nội bộ); Đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện giám sát chủ yếu theo lĩnh vực, chuyên đề có tính tập trung hệ thống, bao gồm giám sát trực tiếp và giám sát gián tiếp; xây dựng hồ sơ giám sát theo từng mảng, lĩnh vực cụ thể; Về thực hiện kiểm toán nội bộ, tập trung vào phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro hệ thống và đối với đơn vị/bộ phận, hoạt động, quy trình; thực hiện có chất lượng kế hoạch đào tạo, tập huấn để duy trì và nâng cao năng lực cho kiểm toán viên, lãnh đạo kiểm toán nội bộ. Tập trung đào tạo cho cán bộ kiểm toán với chuyên gia/tổ chức đào tạo chuyên nghiệp theo các nhóm vị trí công việc, nắm bắt, sử dụng được những tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt đào tạo về kỹ năng kiểm toán theo các yêu cầu nội dung kiểm toán mới.
Tương tự, theo đại diện Vietcombank chia sẻ, từ tháng 8/2015, Vietcombank đã chủ động triển khai mô hình kiểm tra nội bộ tập trung tại Trụ sở chính, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nâng cao chất lượng quản trị rủi ro của ngân hàng. Hiện nay, bộ máy Kiểm tra nội bộ của Vietcombank có trên 200 người. Qua hơn 9 năm hoạt động, bộ máy này đã hoàn thành tốt các công việc, nhiệm vụ được giao, ngoài việc kiểm tra, giám sát thường xuyên các chi nhánh, còn thực hiện các cuộc kiểm tra theo chuyên đề nhằm phát hiện những tồn tại, sai sót mang tính hệ thống, đưa ra những khuyến nghi liên quan đến chính sách/quy định, hệ thống/chương trình nghiệp vụ, góp phần nâng cao hiệu lực của các chốt kiểm soát trong quy trính nghiệp vụ.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, với vai trò trung gian tài chính, huyết mạch của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng, qua đó để thấy rằng, công tác kiểm soát, kiểm toán của các ngân hàng càng có có vai trò quan trọng. Thời gian qua, Ban lãnh đạo NHNN luôn quan tâm chỉ đạo, đã ban hành đầy đủ các văn bản, hành lanh pháp lý về kiểm soát, kiểm toán, kiểm tra nội bộ hay trong các Thông tư, Thông báo cũng như ngay tại các Hội nghị, cuộc họp giao ban thường kỳ của Ban Lãnh đạo NHNN. Tuy nhiên, theo Thống đốc, dù NHNN có chỉ đạo và ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo nhưng việc tổ chức triển khai tại các TCTD vẫn là vấn đề cốt lõi trong công tác này.
Thống đốc cho rằng, công tác kiểm soát, kiểm toán và kiểm tra nội bộ tại các TCTD tiếp tục được phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, hoạt động kiểm toán nội bộ dần bao phủ các quy trình, hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, thực hiện vai trò tuyến bảo vệ thứ ba nhằm kiểm soát các rủi ro trong hoạt động của TCTD.
Bên cạnh đó, các TCTD đã nghiêm túc triển khai, thực hiện các chỉ đạo tại Thông báo số 273/TB-NHNN ngày 31/8/2023 của NHNN tới các bộ phận, đơn vị liên quan của TCTD nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Ban Kiểm soát, kiểm toán nội bộ và bộ phận thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TCTD.
Để hoạt động kiểm soát, kiểm toán, kiểm tra nội bộ của các TCTD hiệu quả, Thống đốc lưu ý các đơn vị trong toàn hệ thống cần thực hiện nghiêm túc Thông báo số 273/TB-NHNN ngày 31/8/2023, trong đó tập trung vào: Trách nhiệm của HĐQT/HĐTV, Ban điều hành của TCTD trong việc cung cấp thông tin cho Ban Kiểm soát, bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm tra, giám sát nội bộ để Ban Kiểm soát, bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận kiểm tra, giám sát nội bộ thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ trong việc giám sát TCTD chấp hành đúng quy định pháp luật, quy định nội bộ…;
Ban kiểm soát cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, quyền hạn trong việc kiểm tra, kiểm soát các báo cáo gửi NHNN, đảm bảo phản ánh đúng thực trạng tình hình hoạt động của TCTD, phù hợp với các báo cáo phục vụ công tác quản trị nội bộ TCTD. Chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định, đảm bảo về mặt thời gian, chất lượng, tính chính xác, đầy đủ, cập nhật của số liệu, thông tin báo cáo. Bên cạnh đó, cần bố trí cán bộ đủ trình độ và năng lực để công tác kiểm soát, kiểm toán, kiểm tra nội bộ ngày càng hiệu quả.