Phát triển bền vững cần đòn bẩy chính sách
Phát huy tiềm năng kinh tế bằng đòn bẩy chính sách tiền tệ |
Phát triển bền vững bắt nguồn từ trách nhiệm với môi trường, cộng đồng |
Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng. 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành đầu tư cho sản xuất xanh trong nhiều năm nay. Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, doanh nghiệp đã bắt tay vào thực hiện mô hình sản xuất xanh từ năm 2018. Lộc Trời chọn thực hiện sản xuất lúa theo mô hình SRP vì cùng lúc đáp ứng được các trách nhiệm của người trồng lúa về môi trường, sinh vật gây hại, bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, bảo vệ sức khỏe nông dân… Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có hệ thống MRV là công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải nhà kính. Hệ thống này đã được số hóa gần như toàn bộ, có thể truy xuất được trực tuyến cũng như xác minh trực tiếp tại đồng ruộng, với nông dân và trên thực địa.
Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin, xu hướng tiêu dùng cho hành trình thay đổi của mình |
Bên cạnh đó, các sản phẩm xanh cũng đang được phân phối xanh. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hưng, quản lý bộ phận Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp - Công ty MM Mega Market Việt Nam cho biết, người tiêu dùng hiện nay rất chủ động trong việc tìm kiếm, sử dụng những sản phẩm, dịch vụ bảo vệ môi trường bền vững. Để đáp ứng nhu cầu trên, công ty đã kết hợp với những nhà sản xuất hay những đối tác lớn như Tetra Pak Việt Nam hay TBC-Ball Việt Nam và sắp tới là Alta Plastics để lắp đặt các hệ thống thùng thu gom vỏ hộp sữa, lon nhôm, chai nhựa. Trong quá trình phân phối, hệ thống siêu thị của công ty không phát túi nilon cho khách hàng tại quầy tính tiền mà thay vào đó là các thùng carton, túi mua hàng sử dụng nhiều lần, túi nilon phân hủy sinh học… Bên cạnh đó, các siêu thị của MM Mega Market còn dùng những hệ thống khuếch tán ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện hay thay thế trang thiết bị để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Với tất cả những hành động như vậy, hằng năm hệ thống đã giảm phát ra ngoài môi trường từ 5.000 - 7.000 tấn CO2.
Để hỗ trợ quá trình xanh hóa này, tín dụng xanh đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua. Minh chứng là, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay có hơn 40 tổ chức tín dụng cấp “vốn xanh” với ưu đãi thấp hơn từ 0,5 – 1%/năm cho các dự án sản xuất, kinh doanh không ít gây rủi ro tới môi trường, góp phần bảo vệ sinh thái chung. Dư nợ tín dụng xanh tính đến hết tháng 6/2023 đạt gần 528.300 tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế và tăng gần 13% so với cuối năm 2021.
Nỗ lực là vậy, song theo các chuyên gia nhận định, phần lớn việc sản xuất - phân phối - tiêu dùng xanh mới chỉ dừng lại ở những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau; sự xuất hiện của sản phẩm xanh trong hệ thống phân phối tại Việt Nam vẫn còn nhỏ; phong trào sản xuất, phân phối xanh mới chỉ diễn ra cục bộ ở một số ngành, hàng, địa phương… Đặc biệt, theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch hiện có mức tăng trưởng chỉ khoảng 4%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Huân, Phó giám đốc Công ty CP Tin học, Công nghệ, Môi trường - Vinacomin (VITE) cho rằng, đây là cuộc chơi của “con nhà giàu” vì chi phí rất lớn, từ trang thiết bị, chuyển đổi công nghệ cho đến nghiên cứu, đào tạo nhân lực, chuyển giao, nghiên cứu… Việc liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng xanh còn thiếu sự tương đồng, thiếu tính kết nối với địa phương. Trên một địa bàn vẫn có sự không đồng bộ giữa các đơn vị sản xuất cùng triển khai và không đồng bộ trong chính sách áp dụng của địa phương.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, các văn bản hướng dẫn, hỗ trợ cho sản xuất, phân phối xanh đang có sự chồng chéo. Quá trình sản xuất chuyển sang xanh sạch hơn liên quan đến rất nhiều bộ, ban, ngành và gây ra ảnh hưởng rất lớn cho quá trình triển khai.
Để tháo gỡ những “nút thắt”, ông Nguyễn Hoàng Huân đề xuất, điều tiên quyết là cần có những giải pháp về cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển các công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; cần có những cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi…
Đồng thời, muốn có liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng xanh, doanh nghiệp cần chủ động trong việc cập nhật thông tin, xu hướng tiêu dùng cả trong nước lẫn quốc tế để chuẩn bị cho hành trình thay đổi của mình. Mỗi doanh nghiệp cần có thêm bộ phận hay cán bộ chuyên trách về sản xuất, phân phối xanh, nghiên cứu xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng, từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp để phát triển bền vững.