Phát triển bền vững hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây" các doanh nghiệp bất động sản Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển trái phiếu doanh nghiệp |
Thị trường còn những “điểm nóng”
Theo ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc CTCP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), thị trường TPDN đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới theo hướng bền vững hơn. Từ năm 2017 đến năm 2023, thị trường trải qua 2 giai đoạn lớn của chu kỳ phát triển là phát triển nóng và điều chỉnh. Hiện nay thị trường đang bắt đầu vào giai đoạn thứ 3 là phục hồi.
Về quy mô, trong giai đoạn tăng trưởng nóng, năm 2017, tổng giá trị TPDN phát hành khoảng 310.000 tỷ đồng thì đến cuối năm 2021, quy mô thị trường đã tăng lên gần 1.469.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,73 lần. Ở giai đoạn này, đặc biệt là năm 2021, vai trò của thị trường TPDN đã được khẳng định rất rõ ràng trong hoạt động chung của toàn bộ thị trường tài chính cũng như nền kinh tế, vì đến thời điểm đó, giá trị TPDN được phát hành mới lên tới 746.000 tỷ đồng, tương đương với 60% tổng dư nợ tín dụng do các ngân hàng cung cấp ra thị trường và vượt trội hơn rất nhiều so với quy mô phát hành mới trên thị trường cổ phiếu, chỉ dưới 100.000 tỷ đồng trong cùng năm.
Những thay đổi thị trường gần đây đã giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện dần |
Tuy nhiên, hệ lụy để lại cho giai đoạn sau khá nặng nề khi hệ thống theo dõi của VIS Rating cho thấy, có đến 54% số doanh nghiệp SPE (Công ty phục vụ mục đích đặc biệt) được thành lập chỉ với mục đích để huy động vốn đã có vấn đề về trả nợ trái phiếu ở giai đoạn sau và đây là con số rất là đáng quan tâm.
Từ giai đoạn tháng 7/2023 đến nay, các TPDN chủ yếu vẫn là phát hành riêng lẻ, lượng phát hành ra công chúng không nhiều, chỉ chiếm hơn 11,4% tổng giá trị phát hành trong 10 tháng qua.
Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp SPE phát hành ra thị trường vẫn lớn. Nếu trong 2022, số lượng trái phiếu phát hành bởi SPE khoảng 29 nghìn tỷ đồng thì 2023, con số này lên tới 38 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 35% tổng giá trị phát hành.
Hiện nay, thị trường TPDN đã bước vào chu kỳ mới khi giá trị trái phiếu có rủi ro cao sẽ giảm dần trong 12 đến 18 tháng tới. Cụ thể, trong quý IV/2023, giá trị trái phiếu có độ rủi ro cao là 19.000 tỷ đồng; quý I/2024 còn 8.000 tỷ đồng; quý II/2024 là 13.000 tỷ đồng; quý III/2024 là 13.000 tỷ đồng và quý IV/2024 là 9.000 tỷ đồng. Quy mô thị trường TPDN bắt đầu ổn định.
Hướng đến sự bền vững
Nhiều quy định trong Nghị định 65 về phát hành TPDN riêng lẻ… đã bị tạm hoãn bằng Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024 sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với các bên liên quan, khôi phục niềm tin của thị trường và mở đường cho thị trường chuyển sang chu kỳ mới bền vững hơn.
Theo ông Simon, Giám đốc khối xếp hạng và nghiên cứu của VIS Rating, trong 2 năm gần đây, thị trường TPDN gặp cú sốc về thanh khoản khi nhiều nhà phát hành không trả gốc và lãi đúng hạn. Năm 2024 sẽ có 3 điểm dẫn dắt thị trường. Đầu tiên là tỷ lệ trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm dần khi NHNN đã cắt giảm 4 lần lãi suất trong năm 2023 và giúp cho doanh nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn.
Thứ hai, các chính chính sách hỗ trợ kinh doanh của Chính phủ và kích cầu kinh tế sẽ phát huy hiệu quả hơn trong năm 2024, giúp doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, cải thiện dòng tiền, từ đó giúp huy động vốn và khả năng phát hành cải thiện dần.
Bên cạnh đó, năm 2024, việc thực thi các quy định chặt chẽ hơn sẽ giúp thị trường TPDN tăng tính kỷ luật hơn. Nhà phát hành sẽ phải công bố thông tin minh bạch hơn. Ngoài ra, việc quy định chặt chẽ hơn về chủ thể tham gia thị trường cũng giúp bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn.
Thứ ba, những thay đổi thị trường gần đây đã giúp tâm lý nhà đầu tư cải thiện dần.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, cơ quan Trung ương và các Hiệp hội, doanh nghiệp lấy ý kiến đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và định hướng chính sách trong thời gian tới. Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp thu các luồng ý kiến và cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra phương án sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế.
Đối với các ý kiến liên quan vấn đề kỹ thuật, Bộ Tài chính sẽ giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, có quy định rõ ràng để đề xuất với Chính phủ, hướng tới mục tiêu tiếp tục ổn định và phát triển thị trường. “Bộ Tài chính sẽ cố gắng xây dựng thị trường trái phiếu nói chung và TPDN riêng lẻ nói riêng phát triển một cách bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một loạt các giải pháp. Đối với các giải pháp về cơ chế, chính sách trong trung và dài hạn, Bộ đề nghị rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ và người có liên quan (tại Luật Chứng khoán, Luật doanh nghiệp và các Luật liên quan).
Trường hợp cần thiết, kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật để kịp thời xử lý các vướng mắc về pháp lý đối với thị trường TPDN.