Phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu ngành ô tô
Những năm gần đây, nhu cầu về phương tiện giao thông tại Việt Nam đang tăng nhanh và được các chuyên gia đánh giá, đây là một thị trường đầy tiềm năng cho các nhà sản xuất, kinh doanh ô tô, xe máy. Với những chính sách mới đã có hiệu lực, cùng với sự quyết tâm của các doanh nghiệp khi mở rộng nhà máy, dây chuyền lắp ráp, từng bước bắt kịp xu thế toàn cầu, ngành ô tô Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quansẽ có những thay đổi đáng chú ý trong năm 2024.
Đặc biệt, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa khi ngày càng được nhiều doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất xe ô tô trong nước. Những chính sách mới của Chính phủ, xu hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng rõ rệt, tất cả đang cho thấy bức tranh sáng hơn cho công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy tại Việt Nam.
Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa ngày càng được nhiều doanh nghiệp đầu tư cho sản xuất xe ô tô trong nước. |
Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là chương trình kết nối giao thương nhằm tăng cường xúc tiến giao lưu thương mại, mua bán trao đổi khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công Nghiệp - Bộ Công Thương, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì đà tăng trưởng tốt. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024 được các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo khá lạc quan. Tăng trưởng GDP sẽ phục hồi ở mức từ 5,5 đến 6,0%. Đây là tín hiệu thuận lợi để thị trường ô tô, xe máy có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Trong nhiêu năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có các chủ trương và chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Cụ thể như: Nghị quyết số 23/NQ-TW của Bộ Chính trị có chủ trương ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước; Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ ban hành đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe ô tô, xe máy và một số loại xe chuyên dùng; Phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp khác.
Cùng với ngành sản xuất, lăp ráp ô tô, xe máy, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng được Chính phủ rất quan tâm và chú trọng. Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhăm thúc đây phát triển công nghiêp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng đã được Chính phủ ban hành như: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ngành công nghiệp ô tô cũng như thị trường ô tô, xe máy và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển |
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, hiện các Chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đang được triển khai mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp. Kết quả đạt được trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như: Thaco, Hyundai Thành Công, VinFast… đang mở rộng đầu tư sản xuất ở quy mô lớn.
Cùng đó, ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy đang có bước phát triển nhanh chóng, nhiều dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư lớn được thực hiện tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Có thể khẳng định, ngành công nghiệp ô tô cũng như thị trường ô tô, xe máy và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đối với chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành sản xuất linh kiện Việt Nam, TS. Trương Thị Chí Bình, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, giá trị gia tăng sản xuất linh kiện đạt khoảng 963 triệu USD; với khoảng hơn 2.200 doanh nghiệp tham gia hoạt động (giải quyết trên 86.000 lao động); chiếm khoảng 30% nhu cầu linh kiện được đáp ứng bởi các công ty nội địa. Hiện tại, sản lượng và xuất khẩu máy mọc và thiết bị đang tăng trưởng nhanh.
Theo Tiến sỹ Bình, các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này được chia làm 2 nhánh; trong đó, các hoạt động có giá trị cao được thực hiện bởi các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài (FDI) và các thương hiệu lớn trong nước. Còn đối với các hoạt động có giá trị thấp hơn được tập trung bởi các nhà sản xuất nội địa; có hơn 2.000 DNNVV sản xuất linh kiện (trong số đó có nhiều DNNVV rơi vào “bẫy năng suất thấp”). Do đó, để phát triển chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành sản xuất linh kiện Việt Nam cần phải chuyển đổi doanh nghiệp toàn diện dựa trên 3 động lực chuyển đổi Lean (mục đích - quy trình - con người) - chuyển đổi số - chuyển đổi xanh.
Về phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu ngành ô tô trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu, đại diện VAMA cho rằng, để sản xuất, lắp ráp một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh sẽ cần khoảng 30.000 sản phẩm linh kiện. Các linh kiện xe ô tô bao gồm: linh kiện kim loại (thân xe, động cơ...), linh kiện cao su nhựa (cản xe, trang bị nội thất xe...), linh kiện sợi vải (ghế nỉ...) và linh kiện điện tử... Do đó, ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi một nền tảng công nghiệp lớn.
Để phát triển chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành sản xuất linh kiện Việt Nam cần phải chuyển đổi doanh nghiệp toàn diện dựa trên 3 động lực chuyển đổi Lean (mục đích – quy trình – con người) – chuyển đổi số - chuyển đổi xanh. |
Vậy nên, chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 phải xác định, công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Phát triển ngành công nghiệp ô tô nhằm đáp ứng từng bước nhu cầu trong nước và an ninh quốc phòng.
Đến năm 2035, ngành công nghiệp ô tô bảo đảm hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội cũng như các yêu cầu về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi sản xuất, chế tạo ô tô thế giới, có giá trị xuất khẩu lớn.
Theo đại diện VAMA, về chiến lược, phải phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với chính sách tiêu dùng và các yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới. Tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của cả nước theo hướng hiện đại…
Triển lãm Quốc tế lần thứ 17 về Phương tiện giao thông, Vận tải và Công nghiệp hỗ trợ - Vietnam AutoExpo 2024, diễn ra từ ngày 13 - 16/0-6/2024. Có 350 gian hàng, cùng sự tham gia của 250 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia. Tại Vietnam AutoExpo 2024 có nhiều thương hiệu ô tô, xe máy mới, cùng với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Triễn lãm nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy tại Việt Nam phát triển. Khách tham quan có thể tìm thấy đa dạng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phụ tùng, linh phụ kiện, các loại thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa và đồ chơi ô tô, xe máy tại hàng trăm gian trưng bày trong nước và quốc tế… |