Phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tính cạnh tranh
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cường kết nối giao thương, góp phần đáp ứng phần nào nhu cầu sản xuất nội địa.
THACO tận dụng hạ tầng công nghệ ô tô để đa dạng hóa các sản phẩm |
Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC), Việt Nam hiện có 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tỷ lệ nội địa hóa trong nhiều ngành còn ở mức thấp. Một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài. Thêm nữa, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ, doanh nghiệp còn loay hoay với câu chuyện kết nối cung - cầu. Hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Toyota là nhà sản xuất ô tô FDI có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam với hơn 724 linh kiện (như thân xe, khung gầm, ghế, ắc quy...), riêng trong năm 2020 - 2021 đã có 324 linh kiện mới được nội địa hóa. Trong năm 2022, Toyota Việt Nam đặt mục tiêu tăng thêm nhiều nhà cung cấp mới và hơn 200 linh kiện mới được nội địa hóa. Giai đoạn 2020 - 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Toyota Việt Nam vẫn tuyển dụng thêm 12 nhà cung cấp mới trong tổng số 46 nhà cung cấp (trong đó có 6 nhà cung cấp thuần Việt). Trong năm 2022, Toyota Việt Nam đặt mục tiêu tăng thêm nhiều nhà cung cấp mới và hơn 200 linh kiện mới được nội địa hóa.
Ông Junichiro Yamamoto - Giám đốc Khối hành chính Toyota Việt Nam chia sẻ, kể từ khi thành lập tới nay, theo định hướng của Chính phủ, Toyota Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam và không ngừng củng cố mạng lưới nhà cung cấp trong nước để phát triển ngành công nghiệp lâu dài. Đẩy mạnh nội địa hóa không chỉ đơn thuần là gia tăng số lượng nhà cung cấp Việt mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là nền tảng và yêu cầu cấp thiết để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, đồng thời tạo động lực kéo theo các ngành công nghiệp khác, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) đã đi tiên phong trong đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ với quy mô lớn nhất Việt Nam, hình thành tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí phục vụ sản xuất ô tô và linh kiện phụ tùng, đồng thời thực hiện gia công cho các khách hàng và các doanh nghiệp đến đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Dự kiến trong năm 2022, xuất khẩu về cơ khí của THACO có thể đạt 200 triệu USD và đây là lý do công ty quyết định đầu tư mạnh hơn, ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng trong năm 2022 để phát triển Trung tâm công nghiệp Chu Lai thành một hệ sinh thái phát triển ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Cùng có thế mạnh của một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía Bắc, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu có 10 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn có thể tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn kinh tế lớn. Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu như công nghiệp cơ khí; ôtô, xe máy; dệt may; điện tử, tin học; vật liệu xây dựng.
Đây là nền tảng cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao, nâng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực, phấn đấu trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển cũng như tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh.