Phát triển công nghiệp ô tô: Cần bắt nhịp xu hướng số hóa và xanh hóa
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, ngành ô tô là biểu tượng chất lượng cuộc sống, chất lượng sản xuất công nghiệp và công nghệ của một quốc gia và trong những năm gần đây còn là biểu tượng của việc bắt nhịp xu thế mới như phát triển bền vững, xanh, thông minh và gắn rất nhiều với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, số nước thực sự có ngành công nghiệp ô tô rất ít. Điều này cho thấy sự phát triển ngành ô tô là thách thức ngay cả những nước phát triển chứ không chỉ với những nước đang phát triển như Việt Nam.
Từ năm 1990 Việt Nam đã rất coi trọng phát triển ngành ô tô song đến nay về cơ bản ngành công nghiệp ô tô vẫn dựa vào đầu tư nước ngoài, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ô tô và công nghệ phụ trợ nhưng vẫn không thành công. Nguyên nhân, theo các chuyên gia là do nhiều vấn đề, từ vật liệu thượng nguồn, lắp ráp hạ nguồn, công nghiệp hỗ trợ... trong khi đó xu thế của ngành ô tô thế giới luôn thay đổi chóng mặt bởi áp dụng công nghệ, nhất là từ CASE (kết nối - tự động - điện hóa - dịch vụ).
Từ năm 1990 Việt Nam đã rất coi trọng phát triển ngành công nghiệp ô tô |
Một vấn đề khác được TS. Võ Trí Thành chỉ ra đó là các doanh nghiệp trong ngành ô tô phát triển phần nhiều đều mang tính thị trường. Như ba "ông lớn" sản xuất ô tô trong nước hiện nay là Tập đoàn Trường Hải (Thaco), Tập đoàn Thành Công, Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast phát triển với ba con đường khác nhau nhưng đều không xuất phát từ công nghệ lõi mà từ nhu cầu thị trường. Như Thaco là hướng tới các giá trị gia tăng cao hơn bằng việc liên doanh lắp ráp, phân phối; học hỏi xây dựng phòng R&D, phát triển xe buýt cho thị trường trong nước và cao hơn là xuất khẩu... Tập đoàn Thành Công chọn cho mình con đường liên doanh. Còn VinFast là câu chuyện mua đứt công nghệ và kiểu dáng, thuê sản xuất, cùng việc tận dụng ngay cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số để cho ra đời những mẫu xe ngày càng thông minh hơn, xanh hơn, tiện nghi hơn bắt kịp xu thế.
"Việc làm thế nào là do năng lực của doanh nghiệp và cách tham gia cuộc chơi. Tuy nhiên nó đặt ra một vấn đề là xây dựng chính sách hỗ trợ như thế nào với các "kiểu chơi" khác nhau trong khi các chính sách hỗ trợ phải phù hợp với cam kết và phải đảm bảo thị trường cạnh tranh", ông Thành cho biết.
"Nếu Việt Nam muốn tự chủ tự cường, phát triển theo nghĩa đậm chất sáng tạo thì rõ ràng đối với bài học chưa thành công thậm chí là thất bại của ngành ô tô và cách phát triển mang tính thị trường nhiều hơn của các tập đoàn thì câu trả lời của tôi về câu hỏi có nên tiếp tục phát triển ngành công nghiệp ô tô là 50-50. Nhưng vẫn lên tiếp tục chơi", ông nói.
TS. Yasushi Ueki đến từ IDE JETRO chia sẻ: cơ hội phát triển ô tô Việt Nam từ điện khí hóa phương tiện (VE) là không thể đảo ngược do nhu cầu tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải. Số hóa cũng mang lại những cơ hội phát triển mới.
"Tuy nhiên, điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp ô tô là đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô trong sản xuất phụ tùng và linh kiện ô tô, hay tốc độ tăng trưởng nhanh của sản xuất phụ tùng/linh kiện ô tô", ông cho biết và đề xuất, Việt Nam cần xây dựng các chính sách về phía cung bao gồm: Xúc tiến xuất khẩu phụ tùng/linh kiện ô tô, bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật liên tục cho các nhà cung cấp địa phương tiềm năng; Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao kỹ năng sản xuất và kỹ thuật số để nắm bắt các cơ hội mới xuất hiện trong dòng xe ô tô cao cấp; Cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ, thành phố thông minh và phát triển cơ sở hạ tầng thu phí; Thiết lập phân khúc, mục tiêu và sử dụng hiệu quả các cơ chế thuế; xây dựng các chính sách phát triển ngành một cách nhất quán với các chính sách liên quan khác, đặc biệt là các chính sách về chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Theo ông Fusanori Iwasaki, để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt nhịp với sự phát triển của các nước trong khu vực cần có các yếu tố như: ý chí mạnh mẽ của Chính phủ với chính sách đồng bộ phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô; hướng tới phân khúc/mẫu mã mục tiêu với ưu đãi hấp dẫn cho người tiêu dùng và nhà sản xuất trong nước. Đồng thời cần một gói chính sách hiệu quả với các yếu tố phát triển nguồn nhân lực cho nhà cung cấp để giảm chi phí đơn vị cho nhà lắp ráp; Tận dụng triệt để các FTA và cải cách thuế tiêu thụ đặc biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.