Phát triển hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị nông sản
Ths. Trần Văn Tần báo cáo kết quả nghiên cứu. |
“Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đang là xu thế tất yếu trong nước và cả trên thế giới. Ở Việt Nam, nhu cầu này ngày càng cấp bách hơn”, Ths. Trần Văn Tần, Thành viên HĐQT VietinBank, chủ nhiệm đề tài cấp bộ “Phát triển hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của Việt Nam” khái quát.
Đề cập dòng tiền cho mô hình này, qua nghiên cứu 5 mô hình cho vay theo chuỗi ngành nông nghiệp tại 5 nước trên thế giới, nhóm nghiên cứu đưa ra hàm ý với Việt Nam, đó là cho vay theo chuỗi là một sản phẩm tín dụng hiệu quả và đang ngày càng phát triển. Cho vay theo chuỗi nâng cao tính minh bạch và khả năng quản lý dòng tiền, phát triển bán chéo sản phẩm của ngân hàng cho vay, nâng cao vai trò của cộng đồng, các hợp tác xã ở nông thôn…
Hiện nay ở Việt Nam, Nhà nước đã quan tâm đối với sự phát triển của nông nghiệp, nhiều quy định về cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành. Về kết quả cho vay, cuối năm 2018, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 1.786.353 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 24,8% dư nợ nền kinh tế.
Theo kết quả của nghiên cứu, mô hình cho vay theo chuỗi, còn gọi là cho vay liên kết, ở Việt Nam hiện nay có hai hình thức chủ yếu: tổ chức tín dụng đầu mối không tạm ứng chi phí sản xuất cho bên liên kết; và tổ chức tín dụng đầu mối tạm ứng chi phí sản xuất cho bên liên kết.
Trong mô hình thứ hai, bắt buộc tất cả các đầu mối phải đăng kí tài khoản ở một tổ chức tín dụng. Theo nhóm nghiên cứu, nếu quản lý chặt chẽ mô hình thứ hai, khoản cho vay sẽ được đảm bảo, ngân hàng có thể cho vay không cần tài sản đảm bảo vì kiểm soát được dòng tiền.
Qua việc thực hiện chương trình cho vay thí điểm triển khai trong các năm 2014-2016, tại 28 doanh nghiệp ở 22 tỉnh, thành phố với 28 dự án cho vay chuỗi liên kết nông nghiệp, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng: 90% hộ dân, 70% doanh nghiệp cho rằng cần thiết phải liên kết theo chuỗi giá trị; 80% các ngân hàng được hỏi trả lời việc cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp là một mảng kinh doanh tiềm năng và có triển vọng.
Trên thực tế, 87% ngân hàng cho biết đã triển khai cho vay theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, một số ngân hàng có ban hành quy định nội bộ và triển khai sản phẩm tín dụng cho liên kết (bao thanh toán). Thông qua đây, cho thấy việc cho vay theo chuỗi liên kết của các ngân hàng bước đầu đã đạt được những kết quả tốt, phản ánh xu thế của ngành nông nghiệp hiện nay.
Toàn cảnh hội thảo. |
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vẫn còn một số tồn tại là kết quả thực hiện mô hình chuỗi giá tại nông nghiệp còn hạn chế và chủ yếu mới gắn kết ở khâu tiêu thụ. Cuối năm 2018, tỷ lệ cho vay đối với mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1,5% trong tổng dư nợ cho vay đối với nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Từ những kết quả đạt được và một số tồn tại hạn chế, nhóm nghiên cứu chỉ ra một số giải pháp để phát triển việc cho vay theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp ở Việt Nam. Đầu tiên đó là phải có những chuỗi liên kết trong thực tiễn thì mới có thể đẩy mạnh hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị.
Đồng thời, vai trò của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh đầu tư nông nghiệp và đầu mối trong liên kết với nông dân là vô cùng quan trọng. Nhà nước cũng cần triển khai mạnh mẽ các chính sách đối với doanh nghiệp để khuyến khích phát triển các mô hình liên kết.
Đối với bản thân các tổ chức tín dụng, cần huy động tập trung nguồn lực để cho vay nông nghiệp nông thôn nói chung và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp nói riêng, thực hiện bán chéo sản phẩm, có sản phẩm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi của người nông dân, từ đó có nguồn vốn trung bình thấp để cho vay. Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp các chính sách liên ngành để phát triển hiệu quả hoạt động cho vay theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp, qua việc xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đa dạng nhằm phát triển những sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhất là trong lĩnh vực đất đai, lao động, công nghệ…
“Sự bền vững trong nông nghiệp cũng chính là bền vững cho ngân hàng. Câu chuyện được mùa mất giá vốn vẫn là câu chuyện muôn thuở của ngành nông nghiệp, vì thế việc xây dựng chuỗi giá trị trong nông nghiệp là vô cùng cần thiết, từ đó đẩy mạnh việc cho vay theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam”, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN, lưu ý thêm.