Phát triển khu vực kinh tế tư nhân: Để mục tiêu không xa vời
Kinh tế tư nhân: Khi Tổ quốc gọi tên mình Tăng cường năng lực khu vực kinh tế tư nhân Kinh tế tư nhân trong tiến trình xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ |
Thực trạng cách xa kỳ vọng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm 2023 là 165,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tạm dừng hoạt động là 135,1 nghìn doanh nghiệp, tăng đến 19,9% so với 9 tháng cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính toán một cách đơn giản (số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường trừ đi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường) để sơ bộ hình dung về số doanh nghiệp gia tăng theo thời gian ra sao sẽ thấy một số điểm đáng suy ngẫm. Cụ thể, 9 tháng năm 2023 số doanh nghiệp tăng thêm khoảng 30,1 nghìn; năm 2022 là 65,1 nghìn; năm 2021 là 40,1 nghìn; năm 2020 là 77,3 nghìn; năm 2019 là 88,3 nghìn; năm 2018 là 58,4 nghìn; năm 2017 là 80,7 nghìn doanh nghiệp... Chuỗi số liệu 6 năm qua (từ 2017-2022) cho thấy, số doanh nghiệp gia tăng mỗi năm có sự biến thiên mạnh, nhưng chưa năm nào vượt quá được 100 nghìn doanh nghiệp và bình quân mỗi năm chỉ tăng thêm khoảng 68,3 nghìn doanh nghiệp.
Thời điểm 2017 khi quy mô tổng số doanh nghiệp trên cả nước đang ở khoảng 500 nghìn doanh nghiệp, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có đặt ra các mục tiêu, đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.
Điều này có nghĩa là giai đoạn 2017-2020 mỗi năm cần tăng bình quân 120 nghìn doanh nghiệp (để đạt mục tiêu vào năm 2020); giai đoạn 2021-2025 cần tăng thêm bình quân 100 nghìn doanh nghiệp/năm (để đạt mục tiêu vào năm 2025) và tiếp tục tăng thêm bình quân 100 nghìn doanh nghiệp/năm (để đạt mục tiêu năm 2030). Tuy nhiên, thực tế số liệu tăng trưởng như đề cập ở trên cho thấy không chỉ mục tiêu cho 2020 đã bị lỡ hẹn, mà nhiều khả năng chúng ta tiếp tục lỡ hẹn mục tiêu đến 2025, đồng thời gây áp lực rất lớn cho mục tiêu xa hơn là đạt 2 triệu doanh nghiệp vào 2030.
Nhìn nhận về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, tuy phát triển khá nhanh, nhưng số lượng doanh nghiệp chưa nhiều (gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động năm 2022), mật độ doanh nghiệp còn rất thấp (tính trung bình cả nước chỉ khoảng 9 doanh nghiệp/1000 dân), và phân bố không đồng đều theo địa phương, vùng kinh tế xã hội cũng như theo ngành kinh tế. Do số doanh nghiệp chưa nhiều, mật độ thấp, nên số việc làm do doanh nghiệp tạo ra cho nền kinh tế cũng khiêm tốn. Tổng số lao động làm việc tại doanh nghiệp năm 2022 khoảng 15 triệu, chiếm gần 30% tổng dân số trong độ tuổi lao động.
Song, chưa muộn để hiện thực hóa
Theo các chuyên gia, vấn đề không chỉ nằm ở số lượng doanh nghiệp còn thấp và có nguy cơ không đạt được như mục tiêu đề ra mà yếu tố chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như môi trường để doanh nghiệp tồn tại và phát triển được cũng rất đáng quan tâm. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ dù chiếm tỷ lệ đa số nhưng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản rất thấp.
Đơn cử, ước tính chưa đầy 30% số doanh nghiệp siêu nhỏ kinh doanh có lãi và hiệu quả kinh doanh trên tất cả các chỉ số của doanh nghiệp nhóm này cực thấp (thường bằng 0 hoặc âm). Điều đó có nghĩa là, phần đông doanh nghiệp siêu nhỏ không bảo toàn được vốn, và như thế khó nói tiếp đến câu chuyện tích luỹ để tái đầu tư. Bên cạnh đó, còn thiếu vắng tính liên kết, lan tỏa giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; năng lực hội nhập và mức độ hội nhập kinh tế quốc tế cũng như sức chống chịu của doanh nghiệp còn rất yếu, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn trước các tác động bất lợi từ bên ngoài…
Thực tế, các chủ trương, cơ chế và giải pháp khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân đã có trong các Nghị quyết có liên quan của Đảng (đặc biệt trong Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Nghị quyết số 10-NQ/TW). Theo các chuyên gia, các chủ trương, giải pháp là khá đầy đủ và vẫn còn phù hợp, do đó cần tiếp tục thể chế hoá, thực hiện một cách đầy đủ, nhất quán và triệt để. Đồng thời dựa trên những chủ trương, định hướng đó, các chuyên gia kiến nghị thêm một số giải pháp tập trung vào “các điểm nghẽn” đang kìm hãm phát triển của doanh nghiệp tư nhân.
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, để đạt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp thì trong giai đoạn 2024-2030, trung bình mỗi năm phải tăng thêm ít nhất khoảng 143 nghìn doanh nghiệp. Vì vậy, một trong các giải pháp để đạt mục tiêu trên là Chính phủ cần xác định số lượng doanh nghiệp tăng thêm hàng năm nói trên là một mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và 5 năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có 18,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong khi có 15 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tổng lượng vốn đăng ký giảm 14,6%, phản ánh xu thế quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập, đồng nghĩa với xu thế “li ti hóa” doanh nghiệp Việt tăng lên. |
Mục tiêu đầy thách thức này chỉ có thể đạt được khi có hàng loạt giải pháp tương ứng và thực hiện đồng loạt nhằm vừa tăng được số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm, vừa tăng được số doanh nghiệp quay lại hoạt động; đồng thời phải giảm được số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và đặc biệt là giảm đến mức tối đa số doanh nghiệp giải thể, phá sản.
Các giải pháp, biện pháp cụ thể cần được thể hiện trong một chương trình khuyến khích khởi nghiệp, đồng hành và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân kéo dài và liên tục trong suốt thời kỳ 2024-2030. “Chương trình này có thể sẽ được bổ sung, sửa đổi, làm mới hàng năm, nhất là nội dung liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp, để phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế đã thay đổi”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Trong khi đó theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, một vấn đề đáng lo ngại là “tuổi thọ” của doanh nghiệp Việt. Theo thống kê chính thức, hàng năm số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số “đăng ký thành lập mới”. “Đây là một tỷ lệ không bình thường, hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều và một bộ phận lớn doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã “ra đi”. Nó cũng phản ánh xu thế đáng báo động về chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế yếu của doanh nghiệp Việt Nam”, chuyên gia này nói và cho biết, rất tiếc là đến nay vẫn chưa có một cuộc khảo sát nào giúp xác định xu hướng “tuổi thọ” của doanh nghiệp Việt, đồng thời đề xuất trong tình thế phát triển hiện nay, đây là một việc làm có tầm quan trọng đặc biệt và cấp bách cần thực hiện sớm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, dù mục tiêu về số lượng như đề cập ở trên là thách thức song “nguồn” để đạt được không phải không có. Bởi thực tế tại Việt Nam đang có gần 5 triệu hộ kinh doanh và chúng ta cũng đã có những bước đi để khuyến khích thành phần kinh tế này chuyển lên mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố mấu chốt vẫn nằm ở môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, công bằng, minh bạch, chi phí thấp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp (cũng như các cá nhân, hộ kinh doanh muốn lên doanh nghiệp) nhìn thấy và tự tin ở khả năng kinh doanh thành công và hiệu quả.
Hiện nay, việc thành lập một doanh nghiệp ở Việt Nam đã rất dễ dàng, nhưng để doanh nghiệp tồn tại, phát triển lâu dài được lại rất khó khăn và phần nào đã được phản ánh qua thực tế các số liệu về số doanh nghiệp rút lui như đề cập ở trên. Điều đó cho thấy, bên cạnh các nỗ lực tự thân của doanh nghiệp để tồn tại và phát triển thì các hỗ trợ về cơ chế chính sách, khơi thông nguồn lực và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Khi chính sách được cụ thể hóa qua các giải pháp hiệu quả, cộng hưởng với niềm tin và thành công của các doanh nghiệp trên thương trường được nhân lên, các mục tiêu về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có phát triển đội ngũ doanh nghiệp sẽ không xa vời.