Phát triển kinh tế nông thôn gặt hái nhiều “trái ngọt”
Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới
Theo PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, những năm gần đây, Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu. Năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8,02%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Dự báo năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%. Mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng và gặt hái nhiều “trái ngọt”.
Thu nhập người dân nông thôn tăng lên, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, tạo nền tảng ổn định chính trị - xã hội. |
Ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, thu nhập người dân nông thôn đang dần tăng lên, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo nền tảng ổn định chính trị - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng 11%, từ 41,8 triệu đồng năm 2020 lên 46,4 triệu đồng năm 2022. Chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo. Thành tích giảm nghèo tiếp tục được phát huy, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở nông thôn từ 7,1% năm 2020 giảm xuống 5,7% năm 2022.
Cơ cấu KTNT tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng nhanh công nghiệp và dịch vụ. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội tiếp tục giảm mạnh, từ 33,1% xuống 27,6% trong giai đoạn 2020-2022. Hệ thống dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mới, nhất là dịch vụ cơ giới hoá, thủy lợi, thú y, bảo vệ thực vật và thương mại cung ứng vật tư, tiêu thụ nông sản, cấp nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt, logistics...
Công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, chế biến tinh. Cả nước hiện có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại, ngang tầm khu vực và thế giới.
Cùng với đó, tỷ lệ nông sản chế biến xuất khẩu tăng, chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản. Cơ giới hóa ngày càng được áp dụng rộng rãi, tạo tiền đề quan trọng xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Trình độ khoa học công nghệ được nâng cao; công tác đào tạo nghề cho nông dân được đẩy mạnh.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Việc chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn đã mang lại hiệu quả cao hơn. Đến nay, có 19.660 trang trại, nhiều hợp tác xã (HTX) kiểu mới được hình thành và phát triển, hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình; cả nước đã hình thành 95 Liên hiệp HTX nông nghiệp và gần 21.000 HTX. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương.
Diện mạo nông thôn tiếp tục được cải thiện, hoạt động xây dựng NTM đi vào chiều sâu. |
Đặc biệt, diện mạo nông thôn tiếp tục được cải thiện, hoạt động xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hướng đến NTM nâng cao, kiểu mẫu. Hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ.Người dân đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm, thoát khỏi tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, ở cấp xã, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí NTM/xã; ở cấp huyện, có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); ở cấp tỉnh có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 7 địa phương so với cuối năm 2020). Môi trường nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 54% (tăng 3% so với cuối năm 2020); hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; an toàn, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn luôn được ổn định.
Cùng với đó, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu, cách làm sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong xây dựng NTM. Một trong những nét đặc sắc của Chương trình xây dựng NTM là việc triển khai đề án Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tập trung phát triển kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển các sản phẩm địa phương, chỉ dẫn địa lý giúp quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản địa phương.
Các địa phương tập trung phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, |
Theo Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, ban hành Nghị quyết mới chỉ là công việc ban đầu. Để tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân với yếu tố con người là quan trọng nhất.
Trong đó, tập trung cao độ phát triển mạnh nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ nhân lực chất lượng cao; có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận. Đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ; nhất là thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho phát triển, tạo đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Tập trung các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế là phát triển xã hội, phát triển con người toàn diện, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo đảm mọi người dân được thụ hưởng những thành quả do phát triển kinh tế mang lại; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” – Ông Môn nói.